Tham dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2015, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2016, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nêu rõ, công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí năm 2015 có nhiều ưu điểm như: Các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình, thông tin kịp thời, đầy đủ diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước, tình hình quốc tế, là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Đồng thời, tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, đấu tranh chống diễn biến hòa bình, phản bác quan điểm, luận điệu sai trái của thế lực thù địch... Hiện cả nước có 857 cơ quan báo chí in, chỉ trong 5 năm (2011-2015) đã có thêm năm báo và 66 tạp chí. Trong 5 năm qua cũng đã có thêm 44 báo điện tử, đưa tổng số báo điện tử cả nước lên 105. 67 đài phát thanh truyền hình quốc gia và địa phương đã phát triển thêm nhiều kênh, tiến bộ về hình thức và kỹ thuật.
Tuy nhiên, hoạt động báo chí trong năm qua vẫn còn tồn tại một số khuyết điểm như: Tình trạng thông tin sai sự thật, thiếu tính định hướng, nặng về mặt trái, xâm phạm đời tư tiếp tục diễn ra, gây tác động xấu trong xã hội; khuynh hướng xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ chậm được khắc phục. Nhiều bài viết phản ánh về cái xấu, cái tiêu cực nhưng vô hình trung lại tuyên truyền cho cái xấu, cái tiêu cực; nhiều chương trình liên kết của đài truyền hình còn dễ dãi trong khâu biên tập, có nội dung, hình ảnh, lời thoại phản cảm, gây bức xúc trong xã hội; tình trạng vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực báo chí tiếp tục gia tăng, nhất là đối với báo điện tử. Việc lợi dụng danh nghĩa nhà báo để dọa dẫm, sách nhiễu, vụ lợi đối với tổ chức, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp vẫn diễn ra...
Nguyên nhân của những hạn chế trên, theo Thứ trưởng Trương Minh Tuấn, là do việc cung cấp thông tin cho báo chí còn có những hạn chế nhất định, gây khó khăn cho tác nghiệp của phóng viên. Ngoài ra, ý thức chấp hành kỷ luật thông tin của lãnh đạo một số cơ quan báo chí chưa tốt, coi nhẹ tính định hướng, tính giáo dục của báo chí…
Do đó, trong 5 năm qua, Bộ TT&TT đã xử lý 242 lượt cơ quan báo chí vi phạm, trong đó, cảnh cáo 11 lượt cơ quan báo chí, phạt tiền 231 lượt cơ quan báo chí với tổng số tiền hơn 4,6 tỉ đồng; tước quyền sử dụng một tháng và thu hồi hai giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên Internet đối với hai cơ quan báo chí, tịch thu một tên miền “.vn”. Đình bản và thu hồi giấy phép hoạt động báo chí đối với 14 trường hợp, trong đó, đình bản tạm thời hoạt động tám trường hợp, thu hồi giấy phép bốn trường hợp; thu hồi hai Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên Internet; thu hồi 121 thẻ nhà báo, trong đó 95 trường hợp thu hồi do cơ quan báo chí dừng hoạt động, do nhà báo chuyển công tác; 26 trường hợp bị thu hồi do vi phạm.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác chỉ đạo, quản lý báo chí trong tình hình mới, thời gian tới hoạt động báo chí cần khắc phục những hạn chế, khuyết điểm như đã nêu ở trên, tiếp tục tuyên truyền có hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, Nghịquyết của các Hội nghịTrung ương, Nghị quyết của Bộ Chính trị, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, gắn việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 với tuyên truyền Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện có kết quả các Nghị quyết của Quốc hội, chính sách, pháp luật và các giải pháp chỉđạo, điều hành của Chính phủ, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; tuyên truyền đấu tranh phản bác các thông tin sai trái, vu khống, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch. Chủ động, tích cực đấu tranh, phê phán mạnh mẽ tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; góp phần tích cực ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống; triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, đề xuất, kiến nghị kịp thời các biện pháp, giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; tăng cường hơn nữa công tác bồi dưỡng, tập huấn kiến thức quản lý báo chí, nâng cao nhận thức chính trị, nghiệp vụ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho lãnh đạo cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí và nhà báo. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới…
Phát biểu kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực, kết quả, ưu điểm, thành tích mà các cơ quan báo chí đạt được, đồng thời đề nghị các cơ quan báo chí nghiêm túc tự phê bình, phê bình về những hạn chế, thiếu sót trong thời gian qua.
Hiện cả nước có trên 18.000 nhà báo được cấp thẻ (tăng 1.500 người so với năm 2011) và khoảng trên 5.000 phóng viên đang làm việc tại cơ quan báo chí, nhưng chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo. Số người làm việc trong lĩnh vực báo chí khoảng trên 35 nghìn người (tăng trên 3 nghìn người so với năm 2011). Phần lớn số người làm việc trong lĩnh vực báo chí đều có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Năm 2011, tỷ lệ nhân lực có trình độ đại học là 88% và trên đại học là 5%. Đến năm 2015, tỷ lệ nhân lực có trình độ đại học là khoảng 94% và trên đại học là 5,5%. Số liệu trên cho thấy chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực báo chí đang có những chuyển biến tích cực.
|
Theo baovanhoa.vn