Trong đó đại biểu có 197 đồng chí là Ủy viên Trung ương chính thức và dự khuyết khóa XI; 1300 đại biểu được bầu tại các đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương; 13 đại biểu chỉ định.
Trong 1.510 đại biểu dự Đại hội có 194 đại biểu nữ; 174 đại biểu là người dân tộc thiểu số; 10 đại biểu là Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động; 20 đại biểu là Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú; 15 đại biểu là thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú; 1 đại biểu là nghệ sĩ ưu tú.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng chính thức khai mạc tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội
với sự tham dự của 1.510 đại biểu, đại diện cho 4,5 triệu đảng viên. (Ảnh: TTXVN)
Theo kế hoạch, sáng nay, 21/1 Đại hội sẽ khai mạc với sự điều hành của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu khai mạc. Thủ tướng sẽ mời Tổng Bí thư lên đọc báo cáo chung của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về các văn kiện.
Chiều 21/1, các đại biểu họp đoàn thảo luận về văn kiện Đại hội. Sau đó trong 2 ngày 22-23/1, Đại hội sẽ thảo luận tại hội trường. Ngày 24/1, báo cáo nhân sự sẽ được công bố trước phần thảo luận, bầu nhân sự khoá mới.
Đại hội 12 có nhiệm vụ đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội 11 của Đảng và nhìn lại chặng đường 30 năm đổi mới của đất nước; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong 5 năm tới.
Chủ đề của Đại hội là "Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại".
Đại hội lần này sẽ thảo luận và thông qua các văn kiện quan trọng: Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2016-2020; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương khóa 11; Báo cáo về tổng kết việc thi hành Điều lệ Đảng khóa 11 và đề xuất bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng (nếu có); Báo cáo việc thực hiện Nghị quyết trung ương 4 khóa 11 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Đại hội bầu Ban chấp hành Trung ương khóa 12, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội.
Theo dantri.com.vn