Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đảng ta lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc cách mạng tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đất nước vừa giành được độc lập dân tộc đã gặp phải biết bao khó khăn, trở lực bởi thù trong giặc ngoài, cộng thêm với nền kinh tế do chế độ cũ để lại rất nghèo nàn lạc hậu, nhân dân nhiều nơi đói rét, dịch bệnh hoành hành, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, thất học và mù chữ nặng nề. Trong hoàn cảnh đó Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đảng ta đề ra nhiều chủ trương hết sức đúng đắn, kịp thời nhằm đẩy lùi những khó khăn trở lực và Người kêu gọi đồng bào cả nước chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Đồng thời do nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của vai trò sức khỏe con người, sức khỏe nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm ký Sắc lệnh thành lập ngành Y tế và ngành TDTT của nước Việt Nam mới.
Vào ngày 31 tháng Giêng năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 14, thành lập Nha Thể dục Trung ương thuộc Bộ Thanh niên, tiền thân của ngành TDTT ngày nay. Ngành TDTT mới ra đời nhiệm vụ là liên lạc mật thiết với Bộ Y tế và Bộ Giáo dục để nghiên cứu phương pháp và thực hành thể dục trong toàn quốc nhằm tăng bổ sức khỏe quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam. Để tăng cường và mở rộng các hoạt động TDTT và trực tiếp chỉ đạo công tác giáo dục thể chất cho thế hệ trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tiếp Sắc lệnh số 33 ngày 27-3-1946 thành lập Nha Thanh niên và Thể dục thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục.
Ngành TDTT mới là cơ quan tham mưu của Chính phủ cách mạng do Hồ Chủ tịch đứng đầu. Đây là cơ quan quản lý, điều hành công tác TDTT trong phạm vi cả nước. Ngành TDTT mới là cơ quan đặc trách công tác TDTT vì lợi ích của nhân dân và đất nước. Điều đó chưa từng có trong lịch sử dân tộc Việt Nam từ trước cách mạng tháng Tám.
Tư tưởng Hồ Chí Minh đã chỉ hướng cho sự hình thành và phát triển nền TDTT mới. Để nền thể thao mới hình thành và phát triển mang bản chất cách mạng, vì lợi ích của toàn dân và đất nước thì điều cơ bản nhất là có sự định hướng đúng đắn, chỉ ra được mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng. Để đáp ứng điều đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục". “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” của Người như ánh dương tỏa chiếu, định hướng cho sự hình thành và phát triển nền TDTT mới của nước Việt Nam mới.
Vào một buổi chiều cuối tháng 3 năm 1946, khi tập thể cán bộ của Nha đang thảo luận công tác, tìm cách phát động phong trào TDTT, Bộ trưởng Bộ Thanh niên kiêm Giám đốc Nha thể dục Trung ương đi vào, hồ hởi thông báo: “Hồ Chủ tịch viết Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục”. “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” do Bác Hồ tự tay viết với văn phong bình dị, rõ ràng, ai cũng có thể hiểu được. Người viết:
“Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công.
Mỗi một người dân yếu ớt, tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần; mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe.
Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe.
Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước.
Việc đó không tốn kém, khó khăn gì, gái trai, già trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được. Mỗi người lúc ngủ dậy, tập ít phút thể dục, ngày nào cũng tập thì khí khuyết lưu thông, tinh thần đầy đủ. Như vậy là sức khỏe.
Dân cường thì nước thịnh. Tôi mong đồng bào ai cũng gắng tập thể dục.
Tự tôi ngày nào cũng tập”.
Anh em trong Nha Thể dục Trung ương vô cùng phấn khởi vì “Lời kêu gọi tập thể dục” của Bác Hồ là ánh sáng dẫn đường, chỉ lối cho công tác TDTT cách mạng.
“Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” của Bác Hồ với ý tưởng cao đẹp của Người có ảnh hưởng sâu sắc với tình cảm, tinh thần và hành động của nhân dân và mọi người hăng hái làm theo tiếng gọi của vị lãnh tụ kính yêu. Chỉ hai tháng sau khi “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” của Bác Hồ đăng trên báo Cứu quốc số 199, ngày 27-3-1946, trong toàn quốc đã dấy lên phong trào Khỏe vì nước sôi nổi. Phong trào Khỏe vì nước thực chất là bước đầu của nền TDTT mới còn non trẻ nhưng đầy sinh lực phát triển.
Với những việc làm như: Ra Sắc lệnh thành lập ngành TDTT, viết “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục”, đích thân phát động phong trào Khỏe vì nước phát triển sôi nổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai sinh nền TDTT mới của nước Việt Nam mới.
Với các tên: Nha Thể thao Trung ương thuộc Bộ Thanh niên rồi đến Nha thanh niên và Thể dục thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục (1946) và sau này là Ban Thể dục thể thao Trung ương (1957), đổi thành Ủy ban Thể dục Thể thao (1960), Ủy ban Thể dục thể thao đã giữ được vị trí TDTT trong xã hội và trong các giai đoạn cách mạng khác nhau. Lãnh đạo các phong trào thể thao trong nước và quốc tế.
Kể từ khi thành lập đến nay, ngành TDTT Việt Nam đã nhận được rất nhiều thư của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước như: Thư của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, thư của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, thư của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, thư của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, thư của Thủ tướng Phan Văn Khải... gửi cho cán bộ, viên chức, huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài ngành TDTT. Đó chính là sự quan tâm của Đảng và Chính phủ và là nguồn lực làm cho ngành TDTT Việt Nam ngày càng phát triển.
Trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người rất coi trọng công tác đối ngoại của TDTT. Người cho rằng đó là một phương tiện quan trọng để giao lưu, đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và các nước trong cộng đồng quốc tế. Vì vậy, mọi hoạt động đối ngoại ở trong nước hay quốc tế cũng đều phải đặt mục tiêu đoàn kết, hữu nghị lên hàng đầu. Thấm nhuần tư tưởng của Người, Ûy ban Thể dục thể thao đã lãnh đạo phong trào, lập ra các đội tuyển quốc gia các môn để tham gia thi đấu giao hữu và các giải quốc tế. TTVN Tham gia vào các kỳ Olympic, SEA Games, các giải bóng đá trong khu vực và quốc tế đều đạt được những thành tựu đáng kể. Với sự kiện được đăng cai SEA Games 22 vào tháng 12-2003 tại nước nhà, ngành Thể dục thể thao Việt Nam muốn khẳng định với toàn thế giới rằng, TTVN cũng có thể sánh vai cùng với các quốc gia trong khu vực và thế giới. Qua đó, cũng muốn thể hiện rằng tiềm năng của TTVN là rất to lớn.
Chúng ta đang ở thời điểm lịch sử trọng đại, bước vào thế kỷ XXI - mở đầu Thiên niên kỷ mới. Đất nước Việt Nam đang bước vào thời kỳ mới xây dựng chủ nghĩa xã hội theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra. Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về TDTT tức là góp phần tích cực xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa phát triển toàn diện.
Ngành TDTT Việt Nam dưới ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh nhất định sẽ có sự phát triển rực rõ trong thời đại mới của lịch sử.
Cách đây tròn 10 năm, ngày 29-1-1991, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 25/CT về việc lấy ngày 27-3 hàng năm làm “Ngày Thể thao Việt Nam”. “Ngày Thể thao Việt Nam” được tổ chức hàng năm nhằm thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào rèn luyện thân thể và các hoạt động văn hoá thể thao lành mạnh. “Ngày Thể thao Việt Nam” bắt nguồn từ những sự kiện lịch sử buổi ban đầu của nền TDTT cách mạng.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Bác cũng là người khai sinh nền TDTT của chế độ mới. Ngày 30-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ liên hiệp lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ký Sắc lệnh số 14, thành lập Nha Thể dục Trung ương trong Bộ Thanh niên. Với mục tiêu “xét vấn đề thể dục rất cần thiết để tăng bổ sức khoẻ quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam”, Sắc lệnh nêu rõ: Nha thể thao TW có nhiệm vụ “liên lạc mật thiết với Bộ Y tế và Bộ Quốc gia giáo dục để nghiên cứu và thực hành thể dục trong toàn quốc”.
Gần hai tháng sau, căn cứ theo quyết định của Quốc dân đại hội VN (Quốc hội khoá 1) họp ngày 2-3-1946 định sự tổ chức của Chính phủ liên hiệp kháng chiến, thay mặt Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, ngày 27-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 38 thiết lập Nha Thanh niên và Thể dục trong Bộ Quốc gia giáo dục. Nha gồm có Phòng Thanh niên TW và Phòng Thể dục TW. Trên thực tế, với những quy định của Bộ Quốc Gia giáo dục, Phòng Thể dục TW đảm nhiệm toàn bộ chức năng, nhiệm vụ của Nha Thể dục TW cũ.
Cũng trong ngày 27-3-1946, trên các báo Cứu Quốc, Việt Nam khoẻ và nhiều tờ báo khác đăng lời “Hồ Chủ tịch hô hào đồng bào tập thể dục: Sức khoẻ và thể dục”.
Đây là văn kiện lịch sử, được coi như cương lĩnh đầu tiên về xây dựng nền TDTT cách mạng của nước Việt Nam mới, thể hiện tập trung tư tưởng Hồ Chí Minh về TDTT phục vụ sức thịnh. Theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, nhiều nơi trong cả nước dấy lên phong trào Khoẻ vì nước rầm rộ trong năm 1946.
Với những ý nghĩa lịch sử sâu sắc đó, ngày 27-3 được Nhà nước ta lấy làm “Ngày Thể thao Việt Nam” hàng năm.
Ban TG-TT