Công đoàn Việt Nam tiền thân là tổ chức Công hội Đỏ Bắc Kỳ, thành lập cách đây 87 năm (28/7/1929 – 28/7/2016). Sự ra đời của Công hội Đỏ Bắc Kỳ là kết quả tất yếu của phong trào công nhân, là thắng lợi của đường lối công vận của Đảng ta và đáp ứng yêu cầu bức thiết của phong trào công nhân đang phát triển mạnh mẽ, đánh dấu sự trưởng thành về mặt tổ chức của giai cấp công nhân Việt Nam. Từ đây, Công đoàn Việt Nam đã từng bước khẳng định được vị thế của một tổ chức công đoàn cách mạng, mang bản chất giai cấp công nhân và luôn phấn đấu vì lợi ích của người lao động.
1. Vai trò của Công đoàn Việt Nam trong việc bảo vệ quyền lợi công nhân và người lao động qua các thời kỳ lịch sử.
Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Nguyễn Ái Quốc đã đề cập đến tính chất, nhiệm vụ của Công hội (Công đoàn) và nhấn mạnh: “Tổ chức Công hội trước là để công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu với nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ, bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân, năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”[1].
Đồng hành cùng sự phát triển của lịch sử xã hội Việt Nam, trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành, Công đoàn Việt Nam (CĐVN) đã trải qua bao biến cố thăng trầm. Song dù ở đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, CĐVN vẫn luôn là tổ chức quần chúng rộng lớn của giai cấp công nhân do chính công nhân, lao động tự nguyện lập ra, để đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích của công nhân, lao động. Đó là một trong những chức năng cơ bản nhất của Công đoàn Việt Nam, được cụ thể hóa trong Hiến pháp, Luật Công đoàn và các luật có liên quan.
Trước năm 1945, do bị thực dân Pháp đô hộ, nhân dân Việt Nam, trong đó có người công nhân phải sống trong cảnh đất nước lầm than, mất quyền độc lập, tự do, họ phải chịu nhiều tầng áp bức bóc lột. Thời kỳ này, Công đoàn đã tích cực chủ động tuyên truyền, giác ngộ, vận động, tập hợp và tổ chức ngày càng đông đảo công nhân, lao động, đấu tranh với thực dân, phong kiến nhằm đòi lại quyền lợi cho công nhân, lao động; đồng thời tổ chức vận động, tổ chức đấu tranh kinh tế với đấu tranh chính trị, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giành chính quyền về tay nhân dân.
Thời kỳ 1945 – 1954, sau khi giành được chính quyền, thành lập nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhân dân ta phải bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp quay lại xâm lược. Do yêu cầu của cách mạng Việt Nam, hoạt động của công đoàn thời kỳ này chủ yếu tập trung huy động công nhân, viên chức tham gia kháng chiến, phát động thi đua đẩy mạnh sản xuất ở vùng tự do, phục vụ các chiến dịch; tổ chức các phong trào đấu tranh đòi tăng lương, chống sa thải, phản đối chủ bớt tiền công ở vùng tạm chiếm…
Thời kỳ 1954 – 1975: Xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử và yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, bản chất chính trị của CĐVN được nhấn mạnh, công đoàn không chỉ là tổ chức quần chúng rộng lớn do giai cấp công nhân, lao động tự nguyện liên kết lập nên, vì nhu cầu lợi ích của họ, mà còn là thành viên của hệ thống chuyên chính vô sản Việt Nam. Công đoàn đã tổ chức các phong trào công nhân viên chức, lao động ra sức thi đua, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, huy động sức người, sức của cho miền Nam. Ở miền Nam, tổ chức Công đoàn cách mạng được củng cố và phát triển, đoàn kết cùng công nhân, lao động chiến đấu; các phong trào đấu tranh đòi công ăn, việc làm, tăng lương, chống sa thải, chống tăng thuế, bóc lột, vơ vét, đòi bảo đảm tự do dân sinh, dân chủ, chống khủng bố, đàn áp được Liên hiệp Giải phóng miền Nam duy trì, tổ chức thường xuyên, liên tục.
Thời kỳ: 1975 – 1985: Đất nước thống nhất, cả nước tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện cơ chế kế hoạch hóa tập trung. Mặc dù Công đoàn đã có nhiều cố gắng trong việc tích cực, chủ động tham gia phát triển sản xuất, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động Công đoàn thời kỳ này vẫn kiên trì mục tiêu chính trị, mục tiêu lâu dài là chủ yếu, nên chưa thực sự quan tâm đến lợi ích, nhất là lợi ích vật chất, lợi ích trước mắt của công nhân viên chức. Đời sống của công nhân, viên chức thời kỳ này còn nhiều khó khăn, nhu cầu về vật chất và tinh thần chưa được đáp ứng.
Thời kỳ 1986 đến nay: Đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, vị trí Công đoàn trong đời sống xã hội ngày càng quan trọng. Đặc biệt, Công đoàn là tổ chức đại diện duy nhất cho người lao động trong quan hệ lao động; Thực hiện ba chức năng công đoàn, lấy chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, lao động và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh làm trung tâm; CĐVN phát động các phong trào thi đua yêu nước, thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, đạt được hiệu quả thiết thực. Các hoạt động xã hội được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức thường xuyên, sâu rộng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, các cấp công đoàn trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu, đóng góp chủ yếu trong các cuộc vận động xã hội, nhân đạo, từ thiện.
Thực hiện phương châm “hướng về cơ sở, vì người lao động”, trong quá trình đổi mới, các cấp công đoàn đã đẩy mạnh hoạt động trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là chủ động tham gia với người sử dụng lao động (NSDLĐ) trong các vấn đề lương, thưởng, nội quy lao động, tổ chức đối thoại về vấn đề quyền, nghĩa vụ, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Doanh nghiệp – Người lao động – Nhà nước, tham gia với Chính phủ trong việc sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp, bảo đảm quyền lợi, nhu cầu cuộc sống cho người lao động. Tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật bảo hộ lao động, thực hiện các chương trình quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động….
2. Bài học kinh nghiệm
Từ những hoạt động vì lợi ích người lao động trong suốt quá trình hình thành và phát triển của tổ chức Công đoàn Việt Nam, trải qua các thời kỳ thăng trầm của lịch sử dân tộc, chúng ta có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Thứ nhất là: Chức năng chăm lo bảo vệ quyền lợi của công nhân và người lao động luôn là một trong những chức năng quan trọng nhất, xuyên suốt nhất của quá trình xây dựng và phát triển của tổ chức CĐVN. Do đó, Công đoàn phải thực sự vì công nhân và người lao động – lực lượng xã hội to lớn, có vai trò tiên phong trong suốt lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, là lực lượng đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến luôn đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, thực hiện CNH – HĐH đất nước vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, là lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thực tế cho thấy, trong một số thời điểm, do yêu cầu và bối cảnh lịch sử quy định nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam, Công đoàn Việt Nam đã chưa làm tốt chức năng chăm lo bảo vệ quyền lợi của công nhân và người lao động mà phải tập trung vào nhiệm vụ chính trị, chưa phản ánh hết bản chất vì công nhân và người lao động.
Thứ hai là: Nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động phải gắn liền với lợi ích dân tộc, phải phù hợp yêu cầu của từng thời kỳ lịch sử. Khác với Công đoàn các nước phát triển, Công đoàn Việt Nam ra đời do Đảng Cộng sản tổ chức và lãnh đạo nhằm phục vụ mục tiêu đấu tranh giải phóng dân tộc. Vì vậy, ngay từ khi ra đời, Công đoàn Việt Nam đã luôn có định hướng rõ ràng trong tất cả các thời kỳ. Thực tế cho thấy, bản chất chính trị của Công đoàn ngày càng thể hiện rõ, điều này xuất phát từ vị trí của tổ chức Công đoàn và yêu cầu thực tế của công nhân, viên chức, lao động đặt ra. Bên cạnh bản chất vì công nhân, người lao động thì Công đoàn còn phải thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của đất nước qua từng thời kỳ. Đây là vấn đề cốt lõi đòi hỏi cả hệ thống Công đoàn, tất cả đoàn viên và người lao động phải quan tâm.
Thứ ba là: Để bảo vệ tốt cho quyền và lợi ích của người lao động thì tổ chức công đoàn phải thực sự vững mạnh, chặt chẽ, hoạt động thống nhất, đội ngũ cán bộ phải tinh nhuệ, luôn tâm niệm vì người lao động mà hoạt động, làm việc. Từ khi thành lập đến nay (1929 – 2016), Công đoàn Việt Nam đã trở thành một tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện và thống nhất bộ máy tổ chức từ trung ương đến cơ sở, cùng với đó, công tác tổ chức và đào tạo cán bộ công đoàn cũng luôn luôn được chú trọng. Nhờ đó, Công đoàn Việt Nam luôn đáp ứng những yêu cầu về năng lực thực sự của một tổ chức bảo vệ, đồng thời hoàn thành tốt các nhiệm vụ khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi cho công nhân, lao động.
Thứ tư là: Công đoàn cần phối hợp với Đảng, Nhà nước trong các vấn đề như tham gia quản lý kinh tế, quản lý xã hội, đây là chức năng quan trọng, đặc thù trong điều kiện giai cấp công nhân giành được chính quyền, là tiền đề, điều kiện để công đoàn phát huy vai trò của mình, là công cụ quan trọng và phương tiện để Công đoàn bảo vệ quyền, lợi ích người lao động ngay từ khi chế định chính sách pháp luật. Khi tham gia vào công tác quản lý kinh tế - xã hội sẽ giúp cho Công đoàn nắm vững những biến động của nền kinh tế và sự thay đổi của các mối quan hệ lao động trong xã hội, từ đó có những đề xuất, kiến nghị phù hợp nhằm bảo đảm cho quyền lợi của người lao động. Ở đây chúng ta cần nhấn mạnh đến vị thế và cơ sở pháp lý của tổ chức Công đoàn, nhờ đó Công đoàn khẳng định được vai trò của mình đối với người lao động và xã hội.
Thứ năm là: Coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người lao động về những quyền lợi hợp pháp, chính đáng mà họ xứng đáng được hưởng, để bồi dưỡng tinh thần tự giác đấu tranh, tự đứng lên bảo vệ khi quyền lợi của họ bị xâm phạm, là điều kiện để tập hợp lực lượng và hình thành phong trào mạnh mẽ. Đồng thời, cũng cần phải tích cực tuyên truyền, phổ biến và làm cho người lao động có thêm kiến thức cũng như nắm vững về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các kiến thức về pháp luật lao động, để từ đó kêu gọi, tập hợp, vận động người lao động tham gia vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, khơi dậy tiềm năng của lực lượng lao động. Thực tế suốt 87 năm hoạt động của Công đoàn Việt Nam cho thấy rằng phải làm cho người lao động biết, hiểu và tin thì mới có thể huy động và phát huy sức mạnh của cả một lực lượng to lớn phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
3. Vận dụng bài học kinh nghiệm cho bối cảnh hiện nay.
Trong bối cảnh Việt Nam gia nhập các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhất là tham gia Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP), Công đoàn Việt Nam phải đối diện với thách thức mới đòi hỏi phải có sự thay đổi để nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức. Việc vận dụng bài học kinh nghiệm được đúc rút ra trong suốt 87 năm hoạt động của Công đoàn là điều cực kỳ cần thiết:
Một là: Cần tiếp tục khẳng định ưu tiên số một của Công đoàn là chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân và người lao động. Bởi vì, sắp tới đây tại Việt Nam sẽ xuất hiện nhiều tổ chức công đoàn có khả năng cạnh tranh với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc giành được sự thừa nhận và ủng hộ của người lao động. Sự điều chỉnh trọng tâm này là cần thiết bởi vì vị thế độc tôn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã không còn.
Hai là: Mặc dù ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích của công nhân và người lao động tuy nhiên cũng cần phải đặt lợi ích cá nhân gắn liền với lợi ích chung. Trong mối quan hệ lao động phức tạp hiện nay thì lợi ích của người lao động gắn liền với lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của nhà nước. Do vậy, phải đảm bảo hài hòa giữa yêu cầu về nhu cầu đời sống của người lao động với quá sản xuất kinh doanh của người sử dụng lao động và duy trì tính ổn định chính trị - xã hội của đất nước.
Ba là: Mặc dù là một thể thống nhất từ trung ương đến cơ sở, hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong thời gian qua đã có những thành tựu to lớn, tuy nhiên bước vào thời kỳ mới thì Công đoàn vẫn còn tồn tại những hạn chế, cả về mặt tổ chức bộ máy, cán bộ và nguồn lực. Đặc biệt là đòi hỏi của yêu cầu hướng về cơ sở, thực sự vì người lao động, đi sâu đi sát nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động… Do vậy, để khắc phục những hạn chế đó thì cần phải đổi mới phương thức hoạt động, đổi mới cơ cấu tổ chức bộ máy, sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, chuyên trách, tập trung nguồn lực vào nhiệm vụ thiết thực liên quan đến quyền lợi người lao động, tăng cường bồi dưỡng, đào tạo nguồn cán bộ có năng lực, chú trọng cán bộ xuất thân từ công nhân trực tiếp cơ sở
Bốn là: Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội, tích cực tham gia với Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định các chủ trương, chính sách, góp ý, bổ sung, sửa đổi các điều luật, tăng cường công tác quản lý cơ quan, đơn vị, tổ chức quản lý kinh tế - xã hội, quản lý Nhà nước, thực hiện quyền kiểm tra, giám sát… nhằm phục vụ cho mục đích bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Ngoài ra, Công đoàn cũng cần phải tiếp tục thực hiện chức năng tuyên truyền giáo dục thông qua các hoạt động thực tiễn, các phong trào công nhân nhằm nâng cao nhận thức cho người lao động, để họ có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình khi bị xâm phạm.
Trải qua 87 năm hình thành và phát triển, Công đoàn Việt Nam đã luôn đồng hành cùng công nhân và người lao động, luôn xứng đáng là tổ chức đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, đồng thời cũng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị - xã hội mà Đảng và Nhà nước giao phó, phù hợp với hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam. Trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, tin rằng với truyền thống và sức mạnh của cả một hệ thống tổ chức thống nhất được xây dựng và trưởng thành trong suốt 87 năm, lại nhận được sự ủng hộ của Đảng, Nhà nước, chiếm được tình cảm của đại đa số bộ phận người lao động thì Công đoàn Việt Nam sẽ vượt qua được thử thách và tiếp tục khẳng định được vai trò của mình.
ThS. Nguyễn Trọng Tráng
Viện CN&CĐ
Nguồn: congdoangdvn.org.vn