A. LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM
I. Đại hội thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ
Do Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng triệu tập vào ngày 28/7/1929, tại nhà số 15 phố Hàng Nón, thành phố Hà Nội. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành lâm thời Tổng Công hội Đỏ do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng đứng đầu. Đại hội thông qua Chương trình, Điều lệ của Công hội Đỏ, quyết định ra Báo Lao động và Tạp chí Công hội Đỏ.
II. Tên gọi của tổ chức Công đoàn Việt Nam
Công hội Đỏ (1929 - 1935); Nghiệp đoàn Ái hữu (1936 - 1939); Hội Công nhân Phản đế (1939 - 1941); Hội Công nhân Cứu quốc (1941 - 1946); Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (1946 - 1961); Tổng Công đoàn Việt Nam (1961 - 1988); Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (1988 đến nay).
III. Các kỳ đại hội của Công đoàn Việt Nam
1. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ I
Họp từ ngày 01 - 15/01/1950 tại tỉnh Thái Nguyên, Đại hội đã quyết nghị về nhiệm vụ trước mắt của Công đoàn đối với đường lối kháng chiến, kiến quốc của Đảng. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 21 ủy viên chính thức và 04 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu làm Chủ tịch, đồng chí Trần Danh Tuyên làm Tổng Thư ký.
2. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ II
Họp từ ngày 23 - 27/02/1961, tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã thông qua những biện pháp tốt nhất để thực hiện đường lối, chính sách mà Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng đã vạch ra về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà. Đại hội quyết định đổi tên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thành Tổng Công đoàn Việt Nam. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 55 ủy viên chính thức và 10 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu làm Chủ tịch, đồng chí Trần Danh Tuyên được bầu làm Tổng Thư ký.
3. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ III
Họp từ ngày 11 - 14/02/1974 tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội biểu dương những thành tích to lớn của giai cấp công nhân và phong trào công đoàn trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội hơn 10 năm qua và đề ra nhiệm vụ cho công tác công đoàn trong giai đoạn mới. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 72 ủy viên, Ban Thư ký gồm 09 ủy viên. Đồng chí Tôn Đức Thắng được bầu làm Chủ tịch danh dự Tổng Công đoàn Việt Nam. Đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu làm Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Đức Thuận được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký. Các đồng chí Nguyễn Công Hòa, Trương Thị Mỹ được bầu làm Phó Chủ tịch.
4. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ IV (nhiệm kỳ 1978 – 1983)
Họp từ ngày 08 - 11/5/1978 tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã cụ thể hóa những nhiệm vụ cách mạng của giai cấp công nhân và phong trào công đoàn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng, nhiệm vụ trọng tâm là tập hợp, vận động công nhân lao động hăng hái thi đua lao động sản xuất, thực hiện thắng lợi kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ hai. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 155 ủy viên, Ban Thư ký gồm 12 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Văn Linh, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch; đồng chí Nguyễn Hộ được bầu là Phó Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Đức Thuận được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký.
5. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ V (nhiệm kỳ 1983 – 1988)
Họp từ ngày 16 - 18/11/1983 tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đề ra những nhiệm vụ: Đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất trong công nhân, viên chức; phát động phong trào công nhân, viên chức thi đua phục vụ nông nghiệp, đưa nông nghiệp từng bước tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa; lập lại trật tự xã hội trên mặt trận lưu thông phân phối; thực hiện tốt các nhiệm vụ về văn hóa xã hội; tham gia xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự xã hội; phát triển hợp tác với Công đoàn Lào, Campuchia, Liên Xô và các nước khác trên thế giới, góp phần bảo vệ hòa bình và tiến bộ xã hội. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 155 ủy viên, Ban Thư ký gồm 13 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Đức Thuận được bầu làm Chủ tịch, đồng chí Phạm Thế Duyệt được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký.
Đại hội lần thứ V đã nhất trí lấy ngày 28/7/1929, Ngày Đại hội thành lập Công hội Đỏ Bắc kỳ làm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.
Tháng 02/1987 đồng chí Phạm Thế Duyệt được bầu làm Chủ tịch, đồng chí Vũ Định được bầu làm Phó Chủ tịch, đồng chí Dương Xuân An được bầu làm Tổng Thư ký.
6. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VI (nhiệm kỳ 1988 – 1993)
Họp từ ngày 17 - 20/10/1988 tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đề ra phương hướng nhiệm vụ, trong đó hai nhiệm vụ chính là: động viên công nhân, lao động đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, hăng hái đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm; chăm lo đời sống, bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động. Mục tiêu của Đại hội là “Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng vì việc làm, đời sống, dân chủ và công bằng xã hội”. Đại hội quyết định đổi tên Tổng Công đoàn Việt Nam thành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 155 ủy viên, Ban Thư ký gồm 15 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Văn Tư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch. Các đồng chí Dương Xuân An, Cù Thị Hậu được bầu làm Phó Chủ tịch.
7. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VII (nhiệm kỳ 1993 – 1998)
Họp từ ngày 09 - 12/11/1993 tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội xác định mục tiêu của hoạt động công đoàn trong những năm tới là “Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chăm lo và bảo vệ lợi ích của công nhân, lao động”. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 125 ủy viên, Đoàn Chủ tịch gồm 15 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Văn Tư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch; đồng chí Cù Thị Hậu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các đồng chí Hoàng Minh Chúc, Nguyễn An Lương, Hoàng Thị Khánh được bầu làm Phó Chủ tịch.
8. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VIII (nhiệm kỳ 1998 – 2003)
Họp từ ngày 03 - 06/11/1998 tại Thủ đô Hà Nội. Mục tiêu của Đại hội là “Vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì việc làm, đời sống và quyền dân chủ của công nhân viên chức và lao động. Xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn vững mạnh”. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 145 ủy viên, Đoàn Chủ tịch gồm 17 ủy viên. Đồng chí Cù Thị Hậu Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch; các đồng chí Nguyễn An Lương, Đặng Ngọc Chiến, Đỗ Đức Ngọ, Nguyễn Đình Thắng được bầu làm Phó Chủ tịch.
9. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ IX (nhiệm kỳ 2003 – 2008)
Họp từ ngày 10 - 13/10/2003 tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã xác định khẩu hiệu hành động của Công đoàn Việt Nam trong thời kỳ mới là “Xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn vững mạnh, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động, góp phần tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 155 ủy viên, tại Đại hội bầu 150 ủy viên, số còn lại sẽ bầu bổ sung trong nhiệm kỳ. Đoàn Chủ tịch gồm 19 ủy viên. Đồng chí Cù Thị Hậu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch; các đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Nguyễn Hoà Bình, Nguyễn Đình Thắng, Đỗ Đức Ngọ, Đặng Ngọc Chiến được bầu làm Phó Chủ tịch. Tháng 12/2006 đồng chí Đặng Ngọc Tùng được bầu làm Chủ tịch. Tháng 9/2007 các đồng chí Hoàng Ngọc Thanh, Mai Đức Chính, Nguyễn Thị Thu Hồng, Nguyễn Văn Ngàng được bầu làm Phó Chủ tịch.
10. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ X (nhiệm kỳ 2008 – 2013)
Họp từ ngày 02 - 05/11/2008 tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đề ra mục tiêu “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công đoàn các cấp hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động làm đối tượng vận động; chuyển mạnh hoạt động công đoàn vào việc tổ chức thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Đại hội nhất trí số lượng Ban Chấp hành gồm 165 ủy viên, tại Đại hội đã bầu 160 ủy viên, số còn lại sẽ bầu bổ sung trong nhiệm kỳ. Đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch; các đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Hoàng Ngọc Thanh, Mai Đức Chính, Nguyễn Thị Thu Hồng, Nguyễn Văn Ngàng được bầu làm Phó Chủ tịch.
11. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI (nhiệm kỳ 2013 – 2018)
Họp từ ngày 27 - 30/7/2013, tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đề ra mục tiêu, phương hướng tổng quát trong nhiệm kỳ là “Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn theo hướng vì đoàn viên và người lao động, vì sự phát triển bền vững của đất nước; tập trung hướng về cơ sở, thực hiện tốt chức năng chăm lo đời sống, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tham gia có hiệu quả vào công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế xã hội; nâng cao công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục và tổ chức thi đua yêu nước trong đoàn viên và người lao động; đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, góp phần xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Đại hội nhất trí số lượng ủy viên Ban Chấp hành gồm 175 ủy viên, tại Đại hội đã bầu 172 ủy viên, số còn lại sẽ bầu bổ sung trong nhiệm kỳ. Đoàn Chủ tịch là 27 Ủy viên. Đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch; các đồng chí: Trần Thanh Hải, Mai Đức Chính, Nguyễn Thị Thu Hồng, Nguyễn Văn Ngàng, Trần Văn Lý được bầu làm Phó Chủ tịch.
Ngày 14/4/2016 đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch. Ngày 17/3/2017 đồng chí Trần Văn Thuật được bầu làm Phó Chủ tịch.
B. KẾT QUẢ NỔI BẬT TRONG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM LẦN THỨ XI (2013 - 2018)
1. Thực hiện nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên và người lao động: Tổ chức công đoàn đã phát huy năng lực, trí tuệ của đội ngũ cán bộ, đoàn viên, trong việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật. Nhiều đề xuất của công đoàn đã được tiếp thu, góp phần quan trọng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên và người lao động, tiêu biểu là tham gia xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động, Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi); các nghị định hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn năm 2012, tham gia có hiệu quả trong Hội đồng tiền lương quốc gia …
Trong nhiệm kỳ đã ký kết được 27.866 bản thỏa ước lao động tập thể, tăng khoảng 5%, so với đầu nhiệm kỳ; Đề án xây dựng Thư viện thỏa ước lao động tập thể điện tử đạt được kết quả bước đầu. Bình quân hàng năm có 98% cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức và 55% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tổ chức hội nghị người lao động. Từ hơn 9.000 cuộc đối thoại định kỳ, hơn 400 cuộc đối thoại đột xuất năm 2014 đã tăng lên 30.641 cuộc đối thoại định kỳ, hơn 3.101 cuộc đối thoại đột xuất vào năm 2017...
2. Hoạt động chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động: Công đoàn đã tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn; nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn đã được cụ thể hóa và đi vào cuộc sống. Nghị quyết của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động” đã đạt kết quả bước đầu, có 2.281 công đoàn cơ sở đối thoại, thương lượng thành công nâng giá trị bữa ăn ca của 587.239 người lao động từ 15.000 đồng trở lên. Tổng Liên đoàn đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, như: nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, trung tâm văn hóa, tư vấn pháp luật... đã từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động.
Chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn với điểm khởi đầu năm 2017 là năm “Vì lợi ích đoàn viên”, tạo bước chuyển biến quan trọng trong tư duy về hoạt động công đoàn theo hướng mang lại lợi ích thiết thực nhiều hơn cho người lao động là đoàn viên công đoàn, tạo sự khác biệt rõ nét so với người lao động chưa là đoàn viên công đoàn, gần 02 triệu đoàn viên, người lao động được hưởng lợi với trị giá 526 tỷ đồng.
Chương trình “Tết Sum vầy” được triển khai từ năm 2015, huy động các nguồn lực hỗ trợ, tạo điều kiện để người lao động được sum họp với gia đình; các cấp Công đoàn đã tổ chức chăm lo, tặng quà Tết, hỗ trợ vé tàu, xe đưa đón cho hơn 8 triệu lượt đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị mất việc làm... với tổng số tiền hơn 8.500 tỷ đồng.
Chương trình "Mái ấm Công đoàn” đã được cấp công đoàn tích cực thực hiện, trong 5 năm qua, đã có trên 20 ngàn gia đình đoàn viên, người lao động nghèo được xây dựng nhà mới hoặc sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hơn 500 tỷ đồng. Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, Quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm tiếp tục được nhân rộng, góp phần tạo việc làm của hơn 350.000 lao động mỗi năm. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn đã nỗ lực vượt qua khó khăn và đào tạo được 165.000 người...
3. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục: Các cấp công đoàn quan tâm tuyên truyền phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn. Một số chương trình trọng tâm, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế xã hội của đất nước được tổ chức phong phú, đa dạng. Các cấp công đoàn thực hiện 647.203 cuộc tuyên truyền phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, thu hút 27.685.716 lượt công nhân, viên chức, lao động tham gia; biên soạn và phát hành khoảng 6 triệu tài liệu tuyên truyền tới đoàn viên, người lao động. Chỉ thị 03-CT/TW và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng ở các cấp công đoàn. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã quyết định triển khai bộ nhận diện Công đoàn Việt Nam với mong muốn thể hiện rõ hơn trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công đoàn trong thực hiện nhiệm vụ trước đoàn viên, người lao động.
“Tháng Công nhân”, hoạt động tiêu biểu của tổ chức Công đoàn đã dành được sự quan tâm, ghi nhận của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng thuận lan tỏa sâu sắc trong cán bộ, đoàn viên, người lao động và cộng đồng xã hội; sau 5 năm thực hiện, các cấp công đoàn tổ chức 19.352 lượt phát động, hưởng ứng “Tháng Công nhân”, thu hút 2,9 triệu lượt đoàn viên, CNVCLĐ tham gia; 573.772 lượt CNVCLĐ dược thăm hỏi, tặng quà với hơn 149 tỷ đồng; đặc biệt từ năm 2016 có 14.395 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn cam kết “Quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn cho đoàn viên, người lao động... đồng hành cùng “Tháng Công nhân”, Tổng Liên đoàn phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức 3 cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Chính phủ với công nhân vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, khu vực miền Trung và khu vực phía Bắc (năm 2016, năm 2017 và năm 2018) với nội dung, phương thức tổ chức ngày càng hoàn thiện.
4. Phong trào thi đua yêu nước: Phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ có sự chuyển biến tích cực. Các cấp công đoàn đã cụ thể hóa phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, phong trào “Xanh- Sạch- Đẹp, Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, phong trào “văn hóa, thể thao” đạt được một số kết quả thiết thực, tiêu biểu là phong trào thi đua liên kết xây dựng Nhà máy Thủy điện Lai Châu vượt tiến độ, hoàn thành sớm hơn một năm, làm lợi cho ngân sách Nhà nước trên 7.000 tỷ đồng...
Các cấp công đoàn đã tổ chức nhiều hình thức tôn vinh, khen thưởng động viên người lao động trực tiếp, cán bộ công đoàn cơ sở có thành tích xuất sắc trong hoạt động công đoàn. Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh, Giải thưởng Tôn Đức Thắng... Đại hội Thi đua yêu nước CNVCLĐ toàn quốc lần thứ IX đã tôn vinh 486 cá nhân, tập thể trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn (2010 - 2015). Bảng xếp hạng doanh nghiệp vì người lao động được nâng lên thành Giải thưởng “Doanh nghiệp vì người lao động” đã góp phần động viên, khích lệ các doanh nghiệp cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Tổng Liên đoàn tổ chức các Chương trình “Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn 30 năm đổi mới”, tôn vinh 30 tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong 30 năm đổi mới; “Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn những công trình”, tôn vinh 8 công trình kết tinh trí tuệ, bản lĩnh của những người lao động Việt Nam ....
5. Xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh: Chương trình phát triển đoàn viên giai đoạn 2013 - 2018 đã được các cấp công đoàn tập trung thực hiện. Tính đến ngày 30/11/2017, cả nước đã có 10.051.052 đoàn viên thuộc 126.313 công đoàn cơ sở; tăng so với đầu nhiệm kỳ hơn 2,1 triệu đoàn viên; hoàn thành chỉ tiêu của nhiệm kỳ trước thời hạn. Trong đó, có 44 công đoàn tỉnh, ngành đã triển khai phát triển đoàn viên theo phương pháp mới, thành lập 1.010 công đoàn cơ sở, kết nạp 97.231 đoàn viên.
Hàng năm, bình quân 90% công đoàn cơ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp khu vực nhà nước đạt vững mạnh, 45 - 55% công đoàn cơ sở ở ngoài khu vực nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt vững mạnh, đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.
Công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, tăng cường hoạt động hướng về cơ sở đã đạt kết quả bước đầu. Trong nhiệm kỳ, có 63/63 địa phương hoàn thành việc sắp xếp lại công đoàn giáo dục cấp huyện và giải thể 83 công đoàn ngành địa phương có dưới 2.000 đoàn viên.
Chương trình “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn” được tiến hành thường xuyên. Trong nhiệm kỳ đã đào tạo, bồi dưỡng 1.242.077 lượt cán bộ công đoàn các cấp.
Các cấp công đoàn đã tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Công đoàn chủ động tham gia các hoạt động giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, giới thiệu cán bộ công đoàn tham gia cấp ủy, hội đồng nhân dân các cấp và Quốc hội khóa XIV. Các cấp công đoàn đã giới thiệu 415.160 đoàn viên ưu tú cho Đảng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã có 336.533 đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng.
6. Công tác tài chính công đoàn: Công tác tài chính công đoàn có nhiều chuyển biến tích cực, tập trung thực hiện những khâu đặc biệt quan trọng để đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả. Cơ chế quản lý, sử dụng tài chính công đoàn được xây dựng, ban hành kịp thời, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Công đoàn.
7. Hoạt động kiểm tra công đoàn: Nhiệm kỳ qua, hoạt động của Ủy ban Kiểm tra có những chuyển biến quan trọng. Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã ban hành Nghị quyết về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Ủy ban kiểm tra công đoàn”; Quy định thẩm quyền và thủ tục xử lý kỷ luật trong tổ chức Công đoàn; Quy chế hoạt động Đoàn kiểm tra của Ủy ban kiểm tra Công đoàn; Quyết định về “Công đoàn giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo” nhằm phát huy vai trò của Ủy ban kiểm tra công đoàn...
Từ năm 2013 đến nay, ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp đã tiếp 36.376 lượt đoàn viên, tiếp nhận 25.354 đơn khiếu nại tố cáo, kết quả 87% đơn thuộc thẩm quyền của công đoàn và 78% đơn thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước đã được giải quyết, qua đó đã can thiệp, bảo vệ cho 4.013 người được trở lại làm việc, 962 người được hạ mức kỷ luật và 35.319 người được bảo vệ các quyền lợi khác.
8. Công tác đối ngoại: Hoạt động đối ngoại của tổ chức công đoàn Việt Nam đạt nhiều kết quả quan trọng; củng cố vị thế của Công đoàn Việt Nam trên thế giới; tranh thủ được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế trong lĩnh vực lao động, công đoàn và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Công đoàn Việt Nam là thành viên chính thức của Liên hiệp Công đoàn thế giới (WFTU); là thành viên tích cực trong Hội đồng Công đoàn các nước ASEAN (ATUC); tham gia các hoạt động của Tổng Công đoàn quốc tế (ITUC); hợp tác với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), dự hội nghị của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).... Hiện nay, các cấp Công đoàn Việt Nam đã thiết lập quan hệ song phương với 65 tổ chức công đoàn trên thế giới và quan hệ với 20 tổ chức đa phương quốc tế…
9. Công tác nữ công: Tổng Liên đoàn đã cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng về phụ nữ, bình đẳng giới, công tác gia đình và trẻ em, tích cực tham gia xây dựng chế độ, chính sách pháp luật liên quan đến lao động nữ, tham gia thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành công đoàn các cấp so với nhiệm kỳ trước đã được nâng lên...
10. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ Công đoàn: Công đoàn các cấp có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; lãnh đạo công đoàn các cấp đã phát huy vai trò, trách nhiệm trước đoàn viên, người lao động trong việc giải quyết nhanh nhạy, kịp thời, sáng tạo các công việc thuộc thẩm quyền. Sự phối hợp trong hoạt động công đoàn theo ngành nghề, địa giới hành chính đã có sự gắn kết. Năng lực tham gia cơ chế chính sách, pháp luật, xây dựng văn bản chỉ đạo hoạt động công đoàn có bước phát triển. Công tác chuẩn bị, tham mưu ban hành văn bản, nghiên cứu đã được quan tâm, tập trung vào những vấn đề bức thiết, cụ thể; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo hướng giảm bớt thủ tục, giấy tờ; chất lượng các hội nghị, hội thảo có cải thiện. Đoàn Chủ tịch, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn đã đổi mới công tác chỉ đạo điều hành trong phạm vi thẩm quyền, kịp thời đề ra một số chủ trương quan trọng đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Hội nghị Chủ tịch Công đoàn các ngành, địa phương được duy trì hiệu quả.
Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã có các cuộc làm việc với một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để báo cáo, đề xuất một số nội dung, chủ trương hoạt động của Công đoàn trong tình hình mới. Quy chế về mối quan hệ công tác, định kỳ hàng năm giữa Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn với Chính phủ được duy trì thường xuyên và đạt nhiều kết quả quan trọng. Các chương trình phối hợp hoạt động với các cơ quan ở trung ương tiếp tục phát huy hiệu quả.
Công tác nghiên cứu lý luận về công nhân công đoàn được quan tâm, nhiều đề tài cấp nhà nước, cấp Tổng Liên đoàn được tổ chức nghiên cứu, nghiệm thu và có vận dụng vào thực tế. Cải cách hành chính của hệ thống công đoàn có kết quả. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của tổ chức Công đoàn tiếp tục được quan tâm và có sự chuyển biến. Việc tổ chức các hội nghị, hội thảo thông qua hình thức trực tuyến có những kết quả bước đầu.
C. MỤC TIÊU, PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ CỦA CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM NHIỆM KỲ 2018 – 2023
I. Mục tiêu
1. Mục tiêu tổng quát: Tập trung đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động công đoàn; lấy nhu cầu chính đáng của số đông đoàn viên, người lao động làm cơ sở hoạt động; lấy đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động làm mục tiêu hoạt động; lấy công đoàn cơ sở làm địa bàn chủ yếu. Tập trung các nguồn lực để xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh; chủ động thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của tình hình mới; đoàn viên gắn bó bền vững với tổ chức Công đoàn Việt Nam; cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm. Quan tâm bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, chuyên môn, ý thức pháp luật, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp và tinh thần dân tộc cho đoàn viên, người lao động. Công đoàn đóng góp rõ nét, hiệu quả hơn trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh, ổn định và cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
2. Các chỉ tiêu chủ yếu
2.1. Chỉ tiêu thuộc trách nhiệm trực tiếp của tổ chức công đoàn
- Phấn đấu đến năm 2023 kết nạp 2 triệu đoàn viên; thành lập tổ chức cơ sở của công đoàn ở 100% doanh nghiệp có 25 công nhân lao động trở lên.
- Phấn đấu hàng năm có 80% trở lên công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đạt loại tốt; 80% trở lên công đoàn cơ sở khu vực nhà nước, 55% trở lên công đoàn cơ sở khu vực doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài nhà nước, nghiệp đoàn cơ sở, đạt tiêu chuẩn vững mạnh.
- Phấn đấu triển khai đầu tư xây dựng tối thiểu 50 thiết chế của tổ chức Công đoàn gồm nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, chăm sóc y tế, trung tâm văn hóa, cơ sở vật chất về thể dục, thể thao, tư vấn pháp luật... tại các khu công nghiệp.
- Phấn đấu 100% công đoàn cơ sở khu vực hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước, 70% trở lên công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước thành lập được Ban Nữ công quần chúng theo qui định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
- Phấn đấu thu tài chính công đoàn đạt 90% trở lên so với số phải thu kinh phí và đoàn phí công đoàn theo qui định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
- Hàng năm, 100% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức thực hiện việc kiểm tra tài chính cùng cấp.
2.2. Chỉ tiêu tổ chức Công đoàn phối hợp thực hiện
- Phấn đấu hàng năm có từ 98% trở lên cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức; từ 95% trở lên doanh nghiệp nhà nước và 60% trở lên doanh nghiệp ngoài nhà nước tổ chức hội nghị người lao động; từ 90% trở lên doanh nghiệp nhà nước và 70% trở lên doanh nghiệp ngoài nhà nước tổ chức đối thoại tại cơ sở.
- Phấn đấu 100% doanh nghiệp nhà nước, 70% trở lên doanh nghiệp ngoài nhà nước có thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể, 80% trở lên thỏa ước lao động tập thể có nội dung có lợi hơn quy định của pháp luật cho người lao động, trong đó có 35% trở lên thỏa ước lao động tập thể đạt loại A.
- Phấn đấu hàng năm bình quân mỗi công đoàn cơ sở giới thiệu được ít nhất 01 đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
II. Phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2018 – 2023
1. Tập trung các nguồn lực và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp để củng cố, tăng cường sự gắn bó chặt chẽ với đoàn viên, người lao động, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đổi mới căn bản hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động theo hướng phát triển các chương trình xuyên suốt toàn hệ thống như một chính sách an sinh xã hội của công đoàn phục vụ trực tiếp và đúng đối tượng, thực hiện đồng bộ giữa trách nhiệm và thụ hưởng, gắn kết chặt chẽ hơn giữa đoàn viên và tổ chức công đoàn.
2. Thực hiện đồng bộ công tác tuyên truyền, vận động của tổ chức Công đoàn; tham gia xây dựng người lao động Việt Nam yêu nước, đoàn kết, nghĩa tình, lao động sáng tạo, tôn trọng pháp luật; phát triển các phương thức tuyên truyền có tác động nhanh, sức lan tỏa rộng và đưa các hoạt động văn hóa tinh thần đến đông đảo đoàn viên, người lao động.
3. Tiến hành phát triển đoàn viên bền vững. Tiếp tục đổi mới nhiệm vụ, phương pháp thu hút, tập hợp người lao động tham gia tổ chức công đoàn; phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn đi đôi với xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh; đổi mới, sắp xếp, kiện toàn mô hình, tổ chức, bộ máy công đoàn các cấp; chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn; đẩy mạnh công tác cán bộ; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
4. Đổi mới việc tổ chức phong trào thi đua yêu nước theo hướng thiết thực, hiệu quả, sát hợp từng đối tượng, góp phần khẳng định vai trò của tổ chức công đoàn, của đoàn viên, người lao động trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
5. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp công đoàn trong tiến trình thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và đổi mới hoạt động nữ công, trọng tâm là các công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc giải quyết một số nhu cầu bức thiết của lao động nữ, phát huy vai trò lao động nữ tham gia phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới và xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.
6. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại theo đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước; đảm bảo an toàn, an ninh quốc gia, nâng cao vị thế và khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam; vì lợi ích đoàn viên, người lao động và vì sự phát triển của tổ chức Công đoàn.
7. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra công đoàn, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương; phòng chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn; củng cố vững chắc uy tín của tổ chức và cán bộ Công đoàn.
8. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ công tác tài chính công đoàn theo hướng chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, công bằng, hiệu quả để tăng cường, phát huy các nguồn lực đáp ứng nhiệm vụ nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn; phục vụ tốt hơn nhu cầu chính đáng của đoàn viên, người lao động.
9. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong hoạt động Công đoàn theo hướng cấp trên phục vụ cấp dưới, tổ chức công đoàn phục vụ đoàn viên, người lao động; đồng thời, phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và giải quyết kịp thời những bất cập, phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm của ban chấp hành công đoàn các cấp trước đoàn viên, người lao động.
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII là Đại hội “Đổi mới, dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm”, khẳng định quyết tâm của các cấp công đoàn, toàn thể cán bộ công đoàn tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động đổi mới tổ chức và hoạt động, xây dựng Công đoàn Việt Nam lớn mạnh, tạo bước phát triển mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho đoàn viên, thể hiện rõ nét nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, phát triển bền vững, phát huy vai trò quan trọng của công nhân, viên chức, lao động trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Ban Tuyên giáo Trung ương.
Theo: tuyengiao.vn