1. Tác phẩm Đường kách mệnh được ra đời trong một bối cảnh lịch sử hết sức đặc biệt. Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô trở về Quảng Châu (Trung Quốc) - vùng đất hoạt động cách mạng của những người Việt Nam yêu nước. Tại đây, sau khi nắm bắt được tình hình và các yêu cầu lịch sử đặt ra, tháng 6 năm 1925, Nguyễn Ái Quốc đã tiến hành cải tổ tổ chức yêu nước Tâm tâm xã, thành lập tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, nhằm mục đích truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin một cách có tổ chức về trong nước, đồng thời tổ chức các lớp huấn luyện cán bộ, chuẩn bị cho cách mạng về sau. Tập hợp các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc trong những năm 1925-1927 đã được Bộ Tuyên truyền Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông xuất bản thành tác phẩm lấy tên là Đường kách mệnh.
2. Theo từ điển tiếng Việt, tư cách là “cách ăn ở, cư xử, đạo đức của một người”[1], còn phẩm giá là “giá trị riêng của con người”[2]. Một cá nhân muốn được những người xung quanh nhìn nhận, đánh giá tốt, trước hết phải là người có tư cách, chuẩn mực đạo đức tốt, sau mới xét đến trí tuệ, năng lực. Do đó, không ngẫu nhiên, vấn đề tư cách, phẩm giá của người cách mạng chân chính được Nguyễn Ái Quốc đặt lên vị trí hàng đầu tác phẩm, thể hiện ở ba khía cạnh:
Trước hết là đối với bản thân, tư cách đạo đức cách mạng được thể hiện ở các phẩm chất “cần kiệm, hòa mà không tư, cả quyết sửa lỗi mình, cẩn thận mà không nhút nhát, hay hỏi, nhẫn nại (chịu khó), hay nghiên cứu, xem xét, vị công vong tư, không hiếu danh, không kiêu ngạo, nói thì phải làm, giữ chủ nghĩa cho vững, hy sinh, ít lòng ham muốn về vật chất, bí mật”[3].
Thứ hai, tư cách của người cán bộ cách mạng chân chính thể hiện trong quan hệ với những người xung quanh, “với từng người thì khoan thứ, với đoàn thể thì nghiêm, có lòng bày vẽ cho người, trực mà không táo bạo, hay xem xét người”[4].
Thứ ba, trong công việc, tư cách của người cách mạng chân chính thể hiện ở phẩm chất “xem xét hoàn cảnh kĩ càng, quyết đoán, dũng cảm, phục tùng đoàn thể”[5].
Như vậy, theo quan niệm của Hồ Chí Minh, người cán bộ cách mạng chân chính trước hết phải có tư cách, thể hiện qua 3 tiêu chí (đối với bản thân, đối với người khác, đối với công việc) và 26 phẩm chất cơ bản. Những phẩm chất người nêu ra ở trên rất rõ ràng, ngắn gọn nhưng chất chứa ý nghĩa vô cùng to lớn, rất đáng để thế hệ đi sau đọc, suy ngẫm và rèn luyện bản thân.
Đạo đức cách mạng của người cán bộ là một tư tưởng lớn trong tư tưởng của Hồ Chí Minh. Người cho rằng, người cán bộ cách mạng phải lấy “đạo đức làm cốt”, đạo đức là gốc, là nền tảng của người cán bộ cách mạng. Đây là một quan điểm sáng tạo của Hồ Chí Minh. Đạo đức cách mạng của người cán bộ được Hồ Chí Minh trình bày khác so với những chuẩn mực đạo đức của chế độ thực dân phong kiến. Đạo đức của người cán bộ cách mạng ở đây là đạo đức vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, đạo đức để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, xây dựng một nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân. Xây dựng cho mình những phẩm chất cách mạng chân chính cũng chính là người cộng sản xác lập được tư cách, nhân cách, phẩm giá cách mạng của bản thân trước nhân dân và dân tộc.
Trên những cơ sở phân tích về tài và đức của người cán bộ ta thấy được trong tư tưởng của Hồ Chí Minh người cán bộ phải vừa có tài vừa có đức, vừa hồng vừa chuyên. Đức là cái gốc, là nền tảng, ngọn nguồn của sức mạnh còn tài là điều kiện cần và đủ của người cán bộ. Do đó, không được tuyệt đối hóa vai trò một mặt cần phải nhìn thấy vai trò của cả đức và tài, thấy được sự tác động biện chứng qua lại của hai yếu tố ấy để hướng đến xây dựng một người cán bộ đủ đức đủ tài phụng sự đất nước. Phân tích mối quan hệ giữa tài và đức, Hồ Chí Minh viết: “Có tài phải có đức, có tài không có đức, tham ô hủ hoá có hại cho nhà nước. Có đức không có tài, như ông Bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”[6].
Do đó có thể khẳng định, tác phẩm Đường kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc không chỉ có giá trị to lớn trong việc hình thành những quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh về cách mạng vô sản ở thuộc địa mà còn đặt nền móng cho việc xây dựng đạo đức mới - đạo đức, tư cách của người chiến sĩ cộng sản chân chính. Phải là một người tiếp thu, lĩnh hội đầy đủ giá trị truyền thống dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại cộng với tài năng, trí tuệ, phẩm chất phi phàm của bản thân, Nguyễn Ái Quốc mới có thể đưa ra bản tuyên ngôn về tiêu chí tư cách của người làm cách mạng ở độ tuổi còn rất trẻ như vậy.
4. Học tập di sản tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng của Người về đạo đức cán bộ cách mạng trong Đường kách mệnh nói riêng, Đảng và Nhà nước ta đã và đang vận dụng sáng tạo và đi đúng hướng trong công tác cán bộ. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã khẳng định: “tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ công tác cán bộ. Thực hiện tốt chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa: đổi mới tư duy cách làm, khắc phục những yếu kém trong từng khâu của công tác cán bộ…”[7].
Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ trong giai đoạn ngày này, Đảng ta xác định: “xây dựng đội ngũ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, có lối sống lành mạnh, không quan liêu, tham nhũng, lãng phí, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, có tư duy, đổi mới, sáng tạo, có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”[8]. Thực chất, quan điểm này của Đảng chính là sự vận dụng sáng tạo di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về tư cách của người cán bộ cách mạng chân chính được nêu trong tác phẩm Đường kách mệnh mà Người viết cách đây gần một thế kỷ.
Sau 30 năm đổi mới, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đã thu được những thành quả nhất định, trong đó có sự đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc thực hiện chức trách của mình, cán bộ, đảng viên bộc lộ nhiều khuyết điểm yếu kém, đặc biệt là tình trạng xuống cấp, suy thoái đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một số cán bộ trong hệ thống chính trị. Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị BCH Trung ương lần thứ tư khóa XI (tháng 1 năm 2012) và Nghị quyết số 04-NQ/TW Hội nghị BCH Trung ương lần thứ tư khóa XII (tháng 10 năm 2016) của Đảng đã khẳng định, đây là vấn đề cấp bách, cần phải giải quyết trong công tác cán bộ. Đảng ta đã chỉ rõ 27 biểu hiện của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống và biểu hiện của “tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ”[9] cán bộ, đảng viên.
Từ thực trạng trên, Đảng ta đã đưa ra hệ thống các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác đánh giá cán bộ. Tuy nhiên, để thực hiện tốt các giải pháp đó, trước hết bản thân người cán bộ cách mạng phải tự nhận thức, tự đánh giá được phẩm chất, tư cách đạo đức của bản thân và nghiêm khắc khắc phục những sai lầm, khuyết điểm.
Như vậy, có thể khẳng định, những quan điểm của Hồ Chí Minh về tư cách đạo đức của người cách mạng thể hiện trong phần mở đầu tác phẩm Đường kách mệnh chính là bản tuyên ngôn sâu sắc về phẩm giá của một người cách mạng chân chính, hình thành một phạm trù đạo đức mới - đạo đức người cộng sản, đạo đức người cán bộ. Những quan điểm đó của Người trở thành tri thức lý luận sâu sắc, bài học quý báu trang bị cho Đảng Cộng sản Việt Nam vững bước trên con đường lãnh đạo nhân dân cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Qua đó cũng cho chúng ta thấy rõ, trong tư duy của Hồ Chí Minh, vị trí vai trò, tầm quan trọng của người cán bộ và công tác cán bộ có mối liên hệ biện chứng với nhau. Muốn có đội ngũ cán bộ tốt, đội ngũ cán bộ thật sự là “gốc của mọi công việc” thì công tác cán bộ là một cơ sở, điều kiện để xây dựng đội ngũ cán bộ tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác đặt ra trong thời kỳ đổi mới đất nước với nhiều thời cơ và thách thức như giai đoạn hiện nay.
[1] Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, tr.1070
[2] Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, tr.770
[3]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.2, tr. 280.
[4]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.2, tr. 280.
[5]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.2, tr. 281.
[6]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.10, tr. 345-346.
[7]Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.261.
[8]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.292-293.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 04 Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng khóa XII (năm 2016). Nguồn: http://dangcongsan.vn.
Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Tùng - Khoa LLCT - GDCD