Người dân Sài Gòn vui mừng chào đón Quân giải phóng. Ảnh: Tư liệu
1. Vào lúc 11h30 ngày 30-4-1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc dinh Độc Lập - sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, đánh dấu thời khắc lịch sử kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, kết thúc thắng lợi 30 năm trường kỳ gian khổ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc, người Việt Nam đã làm nên những chiến công hiển hách, tiêu biểu như chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đặt dấu chấm hết cho sự đô hộ của thực dân Pháp ở Đông Dương, chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” trong 12 ngày đêm tháng 12-1972 không những đập tan âm mưu đưa Hà Nội và miền Bắc xã hội chủ nghĩa “trở về thời kỳ đồ đá” mà từ đây thành phố Rồng bay trở thành “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, và Đại thắng mùa xuân 1975 kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài 30 năm đồng thời làm phá sản chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ...
Chính vì thế, chiến thắng 30-4-1975 không chỉ là một mốc son chói ngời trong lịch sử dân tộc Việt Nam mà còn là một bản anh hùng ca bất hủ của nhân loại. Trong suốt 3 thập kỷ của thế kỷ XX, một dân tộc nhỏ bé - người không đông, đất không rộng, nghèo nàn và lạc hậu - đã dũng cảm, kiên cường chống lại hai kẻ thù xâm lược hùng mạnh, hiếu chiến, giàu tiềm lực quân sự là thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và giành được thắng lợi vẻ vang, mở ra một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là điều mà nhân loại những năm tháng ấy không thể hình dung nổi.
Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ. Cỏ đã lên xanh dưới chân Thành cổ Quảng Trị. Những cánh rừng thông, keo, cà phê, cao su, hồ tiêu... bạt ngàn đã phủ kín đồi Charly, thung lũng Ia Drang, Khe Sanh... Nhà cửa, bệnh viện, trường học, nhà máy, cầu cống, đường sá khang trang, hiện đại đã mọc lên nơi những hố bom năm xưa. Chứng tích chiến tranh tưởng như đã bị thời gian xóa nhòa, song di chứng của sự tàn khốc, hủy diệt vẫn để lại trên thân thể cũng như trong ký ức hàng triệu người Việt, hiện diện tại hàng nghìn nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm khắp dọc dài đất nước. Có thể thấy, để có được ngày vui đại thắng, dân tộc ta đã phải trường kỳ gian khổ, gánh chịu bao đau thương, mất mát. Hàng triệu đồng bào, chiến sĩ ngã xuống trong hai cuộc kháng chiến, hàng triệu người khác để lại xương máu nơi chiến trường. Bao máu đào đã đổ xuống để Tổ quốc được như ngày hôm nay.
2. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta từ xưa đến nay. Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước”. Xuyên suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã phải đương đầu với biết bao cuộc xâm lăng của các thế lực ngoại bang nói riêng cũng như đe dọa nguy nan của thiên tai, địch họa nói chung. Và lịch sử cũng chứng minh, chính tinh thần yêu nước, đoàn kết ấy đã làm nên sức mạnh giúp dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn thử thách, không những không chịu khuất phục mà còn đương đầu, chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ địch hung hãn, bạo tàn.
Đại thắng mùa xuân 1975 cũng bắt nguồn từ truyền thống yêu nước, khát vọng độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất đất nước và đặc biệt là tinh thần đoàn kết của người Việt Nam. Nêu cao chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân - cội nguồn làm nên sức mạnh dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại - đoàn kết quốc tế, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của các lực lượng cách mạng, tiến bộ trên thế giới, để thực hiện thắng lợi đường lối chiến lược: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”!
Trong 45 năm qua, bài học tinh thần của chiến thắng 30-4-1975, đặc biệt là truyền thống yêu nước, đoàn kết ngày càng được phát huy chính là nhân tố làm nên sức mạnh nội lực để người Việt Nam hàn gắn vết thương chiến tranh, vượt lên mọi khó khăn, thách thức của bao vây cấm vận, thúc đẩy phát triển, xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” theo đúng di nguyện của Người. Lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết chính là động lực giúp chúng ta đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng trong công cuộc đổi mới và hội nhập, giữ vững độc lập và chủ quyền lãnh thổ, ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội, phát triển đất nước toàn diện, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế...
3. Từ hơn 4 tháng nay, dịch Covid-19 bất ngờ xuất hiện, hiện đã bùng phát thành “siêu bão” hoành hành tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, với gần 2 triệu ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2, số tử vong lên tới gần 120.000 người tính đến trung tuần tháng 4. Đáng nói là đại dịch đã gây ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu cũng như đời sống vật chất, tinh thần của hàng tỷ người.
Là một quốc gia đang phát triển, hội nhập quốc tế mạnh mẽ, Việt Nam không khỏi bị cuốn vào vòng xoáy dịch bệnh. Tuy nhiên, mặc dù có dân số đông (đứng thứ 17 trên thế giới), điều kiện kinh tế cũng như cơ sở vật chất y tế nói riêng còn hạn chế, nhưng tính đến trưa ngày 14-4 nước ta mới có 265 trường hợp dương tính với vi rút SARS-CoV-2 (trong đó có 168 ca đã điều trị khỏi) và là một trong hai quốc gia trên thế giới chưa có ca tử vong vì dịch Covid-19. Những thông tin tích cực đó cho thấy Việt Nam đã, đang kiểm soát dịch bệnh khá tốt. Nhưng dịch bệnh vẫn diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, nguy cơ bùng phát lây nhiễm trong cộng đồng rất lớn, đòi hỏi công tác phòng, chống dịch phải được đặt lên hàng đầu, coi “chống dịch như chống giặc”, không được chủ quan, lơ là.
Có thể nói, cùng với những biến động địa - chính trị trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, đại dịch Covid-19 thực sự là một thử thách cam go đối với nhân loại nói chung và nước ta nói riêng. Và cũng như rất nhiều lần trong lịch sử dân tộc ta đã đương đầu, chiến thắng thiên tai địch họa, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay đòi hỏi mỗi người Việt Nam, ở trong nước cũng như ở nước ngoài, cần phải phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết của dân tộc, chung sức, đồng lòng thực hiện quyết liệt và hiệu quả những chủ trương của Đảng, Nhà nước cũng như sự chỉ đạo, điều hành về phòng, chống dịch của Chính phủ. Mỗi người dân phải là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch, đặc biệt là phải nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm các yêu cầu về phòng, chống dịch của cơ quan chức năng.
Phát huy tinh thần của chiến thắng 30-4-1975 trong thời đại ngày nay, sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động của cộng đồng chắc chắn sẽ lại là nhân tố tạo thành sức mạnh tổng hợp giúp đất nước ta, nhân dân ta tiếp tục chiến thắng dịch bệnh, nhanh chóng phục hồi, ổn định tăng trưởng kinh tế - xã hội cũng như đời sống người dân để viết tiếp những trang sử mới trong kỷ nguyên phát triển, hội nhập của dân tộc.
Tác giả: Hà Anh
Nguồn: http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chinh-tri/964541/tinh-than-chien-thang-30-4-1975-van-toa-sang-trong-thoi-dai-ngay-nay
Ban Tuyên giáo - Truyền thông (sưu tầm)