Ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành được mở ra góp phần vào việc thực hiện sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ đại học và trên đại học, bồi dưỡng nhân tài cho hệ thống giáo dục quốc dân và xã hội. Ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành cũng phù hợp với chủ trương và nhu cầu phát triển nhân lực du lịch của các địa phương và của cả nước hiện nay khi mà ngành Dịch vụ - Du lịch chiếm 9% GDP toàn cầu và là ngành sử dụng lao động lớn nhất thế giới hiện nay. Theo đó, học ngành quản trị du lịch không chỉ là một lựa chọn đón đầu xu thế thế giới mà còn chính là một sự đảm bảo cho tương lai thuận lợi và thành công.
Cơ hội việc làm rộng mở với thu nhập khởi điểm hấp dẫn: một trong những thế mạnh của việc theo học ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, mỗi năm toàn ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành cần thêm gần 40.000 lao động với mức lương khởi điểm hấp dẫn, khoảng 8-10 triệu đồng/tháng, chế độ ưu đãi tốt.
Chỉ nói riêng ngành Du lịch của thành phố Hà Nội, với lợi thế là trung tâm văn hóa - chính trị - kinh tế - xã hội của cả nước, nơi tập trung nhiều di sản văn hóa lịch sử - làng nghề truyền thống, nghệ thuật, lễ hội, ẩm thực - điều kiện cơ sở kinh tế, hạ tầng kĩ thuật đô thị đồng bộ và phát triển, Hà Nội đã trở thành điểm đến lí tưởng, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Ngành du lịch Thủ đô đã khẳng định vai trò, vị trí là ngành kinh tế lớn, tốc độ tăng trưởng ổn định, quy mô hoạt động ngày càng mở rộng, đóng góp có hiệu quả vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố. Các chỉ tiêu về lượng khách du lịch duy trì đà tăng trưởng tốt. Hà Nội cũng là khu vực thu hút lượng lớn các doanh nghiệp lữ hành hoạt động. Hằng năm, du lịch Hà Nội đều có từ 2 đến 3 doanh nghiệp lữ hành quốc tế được vinh danh trong top 10 doanh nghiệp lữ hành đầu Việt Nam.
So với mặt bằng toàn quốc, nguồn nhân lực du lịch Hà Nội có lợi thế lớn về số lượng và chất lượng, đặc biệt là lực lượng lao động có trình độ, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của dịch vụ du lịch. Tính đến đầu năm 2016, Hà Nội có khoảng 88.000 lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch, trong đó cơ sở lưu trú khoảng 57.000 người, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành khoảng 9.000 người, các khu, điểm du lịch khoảng 2.000 người, các cơ sở dịch vụ khác (nhà hàng, quán bar, múa rối nước, triển lãm tranh, trung tâm hội nghị quốc tế, trung tâm mua sắm...) khoảng 20.000 người. Tỉ lệ lao động được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ một cách hệ thống trong ngành du lịch chiếm 70% tổng số lao động song chưa đồng đều, tỉ lệ lao động có trình độ đại học và trên đại học khoảng 15%. Trong lữ hành, tỉ lệ người có trình độ đại học cao hơn (80%), chủ yếu là tốt nghiệp trường đại học ngoại ngữ.
Tuy vậy, chất lượng và số lượng của nhân lực du lịch chưa theo kịp tốc độ phát triển của du lịch Thủ đô trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày một sâu và toàn diện. Lực lượng lao động nhất là lao động trẻ còn thiếu kĩ năng để có thể làm tốt ngay các công việc được giao là do lỗ hổng và khoảng cách trong đào tạo của Việt Nam nói chung còn chưa bắt nhập với tiêu chuẩn quốc tế. Chính vì vậy mà việc định hướng và hỗ trợ các cơ sở đào tạo trên địa bàn trong công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch là điều cần thiết đối với Hà Nội lúc này. “Thành phố cần đầu tư và tạo điều kiện xã hội hóa trong đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch, thực hiện chuẩn hóa nhân lực du lịch theo bộ tiêu chuẩn kĩ năng nghề du lịch Việt Nam” (theo Ông Đỗ Đình Hồng- Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội). Đây chính là một trong những nhân tố khách quan đặc biệt quan trọng đối với ngành đào tạo về du lịch hiện nay.
Chương trình đào tạo hấp dẫn: một trong những sức hút của ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của Trường ĐHSP Hà Nội
Để đáp ứng đòi hỏi của vị trí việc làm: năng động, linh hoạt trên cơ sở hiểu biết sâu sắc về Việt Nam - đất nước - con người, ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của trường ĐHSP Hà Nội được xây dựng trên các khối kiến thức cơ bản của ngành và chuyên ngành có thể khái quát qua khối kiến thức ngành và chuyên ngành như sau:
Khối kiến thức ngành có: Kiến thức về địa lí, lịch sử, con người và văn hóa Việt Nam; Tâm lí và tập quán của du khách trong nước và quốc tế; Kĩ năng nghiệp vụ về hướng dẫn du lịch, thiết kế tour, quản lí và điều hành tour; Thiết kế và quản trị sự kiện du lịch.
Khối kiến thức chuyên ngành có: Khối kiến thức chuyên sâu về Văn hóa tổ chức, Kinh tế du lịch, Văn hóa du lịch, Marketing du lịch; Khối kiến thức chuyên sâu về Tôn giáo - tín ngưỡng, Phong tục - tập quán - lễ hội - truyền thống; Khối kiến thức chuyên sâu về Quản trị lữ hành, Quản trị sự kiện, Hướng dẫn du lịch, PR và truyền thông cho sự kiện...
Ngoài ra, các kĩ năng nghề, năng lực sử dụng ngoại ngữ cũng được chú trọng khi xây dựng chương trình đào tạo, đảm bảo cho người học có khả năng giao tiếp tốt, thuyết trình tốt trong hướng dẫn và điều hành các hoạt động du lịch, đáp ứng đa dạng thị trường khách.
Có thể thấy, chương trình chắc chắn sẽ đáp ứng được đòi hỏi về sự năng động tối đa của ngành học, bao gồm quá trình quản lí và điều hành du lịch, phân công công việc cho các hướng dẫn viên du lịch, nhận thông tin để phối hợp với các bộ phận, cơ quan chức năng giải quyết phát sinh, thiết kế các chương trình du lịch.
Vị trí việc làm đa dạng sau khi tốt nghiệp: một lợi thế quan trọng của ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành
Với chương trình đào tạo hướng tới chuẩn về năng lực, kĩ năng của thế kỉ XXI, ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành là một ngành có các vị trí làm việc đa dạng: Hướng dẫn viên du lịch; Chuyên viên phụ trách các bộ phận lưu trú, tiếp thị, chăm sóc khách hàng, tổ chức hội nghị - sự kiện; Quản trị - điều hành - thiết kế tour tại các công ty trong và ngoài nước hoặc các tổ chức phi chính phủ; Chuyên viên tại các Sở, ban, Ngành về Du lịch; Nghiên cứu, giảng dạy về du lịch tại các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu.
Như vậy có thể thấy, đối với người học, ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành đang là một ngành nghề hấp dẫn rất lớn. Nó cũng là một ngành đặc biệt quan trọng trong bối cảnh giao lưu quốc tế ngày càng mở rộng bởi nó có sứ mệnh kết nối những nền văn hóa đa dạng, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Đây cũng là ngành học của những người năng động và đam mê sự thử thách khi họ được trải nghiệm những khám phá mới tại nhiều địa điểm du lịch, danh lam thắng cảnh trong nước và thế giới. Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành còn là ngành nghề đem lại nhiều cơ hội việc làm với thu nhập hấp dẫn trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0.
Sinh viên khoa Việt Nam học trong chuyến đi học tập thực tế.
Học viên Hàn Quốc tham gia chương trình từ thiện của Liên chi đoàn - Hội sinh viên khoa Việt Nam học
TS. Nguyễn Thị Thu Hoài
Phó Trưởng khoa Việt Nam học
Nguồn: Bản tin HNUE