Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta. Đại hội diễn ra trong bối cảnh đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay với nhiều thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ Đại hội XII. Đó chính là những tiền đề quan trọng để chúng ta phấn đấu hiện thực hóa khát vọng xây dựng một nước Việt Nam phát triển, thu nhập cao vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước - năm 2045.
Khát vọng thịnh vượng, dân giàu, nước mạnh là nguyện vọng của mỗi người dân, cũng là ý chí của Đảng và Nhà nước ta bấy lâu nay. Cho đến hiện tại, khát vọng ấy đã trở thành động lực, thành đích đến để toàn dân tộc cùng cố gắng thực hiện trong một tương lai không xa. Chính vì vậy, một trong những điểm nhấn quan trọng trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng là khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Trong đó, đặt ra những mục tiêu rất rõ ràng cho sự phát triển của đất nước, hướng tầm nhìn dài hạn đến giữa thế kỷ 21 chứ không chỉ là một hay vài nhiệm kỳ sắp tới.
Trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII không chỉ xác định mục tiêu phát triển đất nước trong 5 - 10 năm tới mà còn đưa ra tầm nhìn, định hướng đến năm 2045 gắn với hai cột mốc quan trọng là kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng vào năm 2030 và 100 thành lập nước vào năm 2045. Cụ thể mục tiêu:
- Đến năm 2025: Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp;
- Năm 2030: Việt Nam là nước đang phát triển cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao;
- Năm 2045: Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Một khát vọng đi tới 25 năm để đến mốc Việt Nam trở thành đất nước phát triển thu nhập cao vượt qua được ngưỡng thu nhập trung bình. Đây là một mục tiêu rất lớn.
Lần đầu tiên cụm từ "dân thụ hưởng" được đưa vào dự thảo văn kiện. Việc bổ sung này thể hiện quan điểm của Đảng là tất cả mọi thành quả đều vì người dân. Và cũng là lần đầu tiên trong chủ đề của Đại hội và trong các dự thảo báo cáo chính trị đề cập đến "khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc", trong đó đặc biệt nhấn mạnh yếu tố "hạnh phúc" của nhân dân.
Vậy cần hành động như thế nào để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng? Đây sẽ là câu hỏi được đặt ra nhiều nhất khi nhắc tới vấn đề này. Các chuyên gia cho rằng, có quá nhiều việc phải quan tâm trong hành trình đi tới thịnh vượng như hướng tới thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập; tiếp tục đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại.
Vì vậy, nếu như tại các văn kiện Đại hội XI, XII, khái niệm kinh tế số còn chưa xuất hiện, thì ở dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII, cụm từ "phát triển kinh tế số" đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần và được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và các đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII.
Phát triển kinh tế số, xã hội số
Dự thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội là một trong các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Nhấn mạnh tiếp tục thực hiện chủ trương phát triển hạ tầng là 1 trong 3 đột phá chiến lược để phát triển đất nước, tuy nhiên, dự thảo lần này đã bổ sung thêm nhiều nội dung mới trong đó xác định "phát triển mạnh hạ tầng số, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số".
Một trong những sự kiện kinh tế nổi bật của năm qua là Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Đây là lần đầu tiên Chính phủ ban hành quyết định về chuyển đổi số, đặt ra mục tiêu phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực vươn tầm toàn cầu.
Mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm khoảng 1/5 GDP và hỗ trợ năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm và sau đó, thúc đẩy GDP Việt Nam tăng thêm khoảng 28- 62 tỷ USD, tương đương mức tăng 7-16% GDP đến năm 2030.
Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII cũng đặc biệt nhấn mạnh về nguồn lực con người, coi đó là động lực cốt yếu, là nội dung đột phá chiến lược. Với mục tiêu hướng đến năm 2045 đưa nước ta thành nước phát triển, có thu nhập cao thì việc coi trọng và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là vô cùng quan trọng, bởi lẽ, chỉ có nguồn nhân lực này mới có thể đáp ứng được yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Còn hiện giờ, đây vẫn là điểm nghẽn của nền kinh tế.
Niềm tin của nhân dân - Sức mạnh của Đảng
5 năm qua, nắm bắt thời cơ, thuận lợi; vượt qua thách thức, khó khăn, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, toàn diện trên mọi lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá cao; chất lượng tăng trưởng được cải thiện; quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng lên. Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ tiếp tục được đổi mới và có bước phát triển. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, quyết liệt.
Đặc biệt, có thể khẳng định, thành quả lớn nhất của nhiệm kỳ chính là niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Cũng chính niềm tin ấy sẽ là động lực quan trọng nhất để đưa đất nước ta đi tới những tầm cao mới.
Ngày mai (25/1), Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ chính thức bắt đầu. Cán bộ, đảng viên và nhân dân đang rất quan tâm, theo dõi, mong chờ và đặt nhiều kỳ vọng vào thành công của Đại hội.
Với sự chuẩn bị chu đáo, trách nhiệm, khoa học và trí tuệ, chúng ta tin tưởng và kỳ vọng rằng, Đại hội XIII sẽ lựa chọn được một Ban Chấp hành Trung ương xứng tầm với trọng trách lịch sử dân tộc đặt ra, xứng tầm gánh vác việc nước trong giai đoạn phát triển mới, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng của toàn dân tộc.
Theo: vtv.vn