Ngày 28/7/1929, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐVN) được thành lập, từ đó giáo giới cả nước được tiếp cận với các chủ trương của Tổng Liên đoàn. Tổ chức của giáo giới bắt đầu được hình thành ở nhiều nơi với nhiều tên gọi: Liên đoàn giáo giới ở Thanh Hoá, Nghệ An và một số tỉnh ở khu V; Công đoàn giáo giới ở Phú Yên; Công đoàn giáo dục tiểu học ở Hà Tĩnh... Các tổ chức này lúc đầu hoạt động như các đoàn thể cứu quốc, lấy việc phục vụ kháng chiến, tham gia công tác xã hội làm nội dung chính.
Tháng 9/1950, thực hiện chủ trương của Tổng Liên đoàn và được sự giúp đỡ tận tình của Lãnh đạo Bộ Giáo dục, Ban vận động thành lập Công đoàn Giáo dục (CĐGD) Việt Nam đã ra đời. Từ đó, theo đường hướng của Tổng Liên đoàn và sự chỉ đạo của Liên hiệp công đoàn các tỉnh, tổ chức CĐGD nhanh chóng được phát triển ở các cơ quan giáo dục và các trường học từ Việt Bắc đến khu III, khu IV, khu V. Số lượng đoàn viên lúc này đã lên tới 9857 người.
Trên cơ sở đó, ngày 22/7/1951, tại Hội nghị CĐGD toàn quốc ở Việt Bắc, Ban Chấp hành lâm thời CĐGD Việt Nam chính thức được thành lập với chức năng tập hợp, vận động cán bộ, giáo viên trong các cơ quan giáo dục và trường học thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, phục vụ kháng chiến. Hội nghị đã thông qua chương trình công tác gồm 4 điểm: Thúc đẩy đoàn viên làm nhiệm vụ chuyên môn; Xây dựng tổ chức công đoàn lớn mạnh, đảm bảo thực hiện cải cách giáo dục; Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên; Đoàn kết lao động trí óc và chân tay đấu tranh giải phóng dân tộc.
Tuy còn sơ lược nhưng chương trình hoạt động nói trên đã như một lời tuyên ngôn về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của công đoàn ngành, đặt cơ sở cho quá trình tổ chức và hoạt động của Công đoàn Giáo dục Việt Nam.
Tham gia Công đoàn Giáo dục Quốc tế (fise)
Tháng 7/1953, tại Hội nghị Công đoàn Giáo dục Quốc tế (FISE) họp tại Viên (Thủ đô nước Áo), Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã được công nhận là một thành viên chính thức và có đại diện tham gia Ban Chấp hành Công đoàn Giáo dục Quốc tế. Từ đó, vai trò, tiếng nói của Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia và ngày càng tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của giáo giới các nước đối với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng một nền giáo dục mới ở nước ta.
Hội nghị cán bộ công đoàn toàn quốc
Tháng 6/1954, sau chiến thắng lịch sử ở Điện Biên Phủ, Hội nghị cán bộ công đoàn toàn quốc đã họp tại xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang. Tuy chưa phải là một Đại hội, nhưng đây là lần đầu tiên CĐGD Việt Nam có cuộc họp toàn quốc, bao gồm cán bộ công đoàn ở các khu, tỉnh và Ban Chập hành lâm thời CĐGD Việt Nam. Hội nghị này là một mốc quan trọng trong quá trình phát triển của CĐGD Việt Nam. Hội nghị đã kiểm điểm tình hình phong trào, bàn bạc thống nhất các vấn đề về củng cố tổ chức, kiện toàn lãnh đạo công đoàn, vận động đoàn viên làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, tham gia phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất... Sau ngày giải phóng Thủ đô, hoạt động của CĐGD Việt Nam bước vào thời kỳ mới-thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng miền Bắc XHCN, đấu tranh thống nhất nước nhà.
Trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã trải qua 15 kỳ Đại hội:
Đại hội lần thứ nhất CĐGD Việt Nam
Năm 1957, CĐGD Việt Nam đã có một hệ thống tổ chức hoàn chỉnh, tương ứng với hệ thống tổ chức của chuyên môn. Được sự đồng ý của TLĐLĐVN, Đại hội đại biểu lần thứ nhất của CĐGD Việt Nam tổ chức từ ngày 25-31/7/1957 tại Thủ đô Hà Nội.
Đại hội đã xác định nhiệm vụ chung của cả hệ thống CĐGD Việt Nam là: "Tăng cường giáo dục nâng cao giác ngộ XHCN đoàn kết rộng rãi lao động toàn ngành; chăm lo bồi dưỡng đoàn viên; động viên lòng phấn khởi hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển ngành Giáo dục; góp phần củng cố miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà".
Đại hội lần thứ II CĐGD Việt Nam
Đại hội lần thứ hai của CĐGD Việt Nam được tổ chức từ ngày 25-27/7/1961 tại thành phố Hải Phòng
Đại hội đã quyết định nhiệm vụ trước mắt của CĐGD Việt Nam là: "Đoàn kết lao động toàn ngành, ra sức bồi dướng quan điểm tư tưởng mới, bồi dưỡng nghiệp vụ văn hoá, kỹ thuật, cải thiện đời sống vật chất cho đoàn viên, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh nhằm phát triển phong trào quần chúng thi đua giảng dạy tốt, công tác tốt, thực hiện giáo dục phục vụ công- nông, giáo dục phục vụ sản xuất, xây dựng một nền giáo dục thật sự XHCN".
Đại hội lần thứ III CĐGD Việt Nam
Đại hội lần thứ III của CĐGD Việt Nam được tổ chức từ ngày 9-11/8/1963 tại trường Chính trị-Bộ Giáo dục.
Đại hội đã đề ra nhiệm vụ chung trong nhiệm kỳ là: “Trên cơ sở kiện toàn Công đoàn ngành trung ương, củng cố công đoàn cơ sở, ra sức bồi dưỡng tư tưởng chính trị, đạo đức, tác phong xã hội chủ nghĩa; tích cực cải thiện đời sống cho đoàn viên, lao động toàn Ngành nhằm đẩy mạnh phong trào quần chúng thi đua giảng dạy tốt, công tác tốt. Xây dựng nền giáo dục gắn liền với nhà trường và đời sống, với sản xuất, phục vụ đắc lực hai cuộc vận động lớn của Đảng và Chính phủ, góp phần thiết thực vào sự nghiệp công nghiệp hoá XHCN ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà”.
Đại hội lần thứ IV CĐGD Việt Nam
Tháng 9/1967, Đại hội lần thứ IV CĐGD Việt Nam diễn ra tại một hội trường tranh tre, xung quanh là hầm hào phòng không thuộc xã Việt Tiệp, huyện Khoái Châu tỉnh Hải Hưng.
Đại hội đã quyết định nhiệm vụ chung của CĐGD Việt Nam trong những năm tiếp theo là: "Tăng cường tổ chức bồi dưỡng GV-CB-CNV tham gia quản lý cơ quan, trường học, quán triệt sâu sắc đường lối giáo dục của Đảng, đồng thời hết sức chăm lo đến đời sống của anh chị em; động viên toàn ngành nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chuyển hướng giáo dục, chuyển hướng đào tạo trong bất kỳ tình huống nào".
Đại hội lần thứ V CĐGD Việt Nam
Đại hội lần thứ V CĐGD Việt Nam tiến hành vào tháng 6/1970 tại trường Cán bộ Công đoàn Hà Nội. Đại hội đã xác điịnh nhiệm vụ thiêng liêng là: "Đại hội thực hiện Di chúc của Bác Hồ".
Đại hội đã quyết định nhiệm vụ chung của CĐGD Việt Nam trong nhiệm kỳ là: "Tập trung giáo dục, động viên toàn thể cán bộ, giáo viên nâng cao quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược và xây dựng CNXH, nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước thế hệ trẻ, phát huy khí thế cách mạng tiến công, phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục lên một bước".
Đại hội lần thứ VI CĐGD Việt Nam
Đại hội VI CĐGD Việt Nam từ ngày 22-24/4/1975 tại trường Đại học Kinh tế Kế hoạch Hà Nội. Đại hội đã đề ra nhiệm vụ tổng quát trong nhiệm kỳ là: "Nâng cao nhiệt tình cách mạng, ý thức làm chủ sự nghiệp giáo dục của toàn thể GV- CB- CNV, động viên anh chị em hăng hái thi đua giảng dạy và công tác theo đúng đường lối, phương châm giáo dục của Đảng, cần kiệm xây dựng nhà trường XHCN; đồng thời không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ về mọi mặt để đáp ứng yêu cầu của cải cách giáo dục. Sẵn sàng chi viện cho yêu cầu phát triển giáo dục ở miền Nam. Tích cực tham gia quản lý cơ quan trường học góp phần cải tiến công tác chỉ đạo, Chăm lo đời sống của GV - CB - CNV. Tăng cường công tác bồi dưỡng cán bộ, cải tiến các hình thức, phương pháp hoạt động công đoàn"
Sự thành lập Công đoàn Đại học-Trung học chuyên nghiệp Việt Nam
Tháng 10/1965, Chính phủ quyết định thành lập Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Về tổ chức công đoàn hai ngành vẫn thống nhất trong Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam.
Để thống nhất công tác quản lý, đẩy mạnh sự nghiệp đào tạo cán bộ khoa học-kỹ thuật, cán bộ quản lý kinh tế và cán bộ chuyên môn, Tổng Công đoàn Việt Nam đã ra quyết định số 71/QĐ-TCĐ ngày 30/01/1975 thành lập công đoàn ngành Đại học và Trung học chuyên nghiệp Việt Nam, chỉ định Ban Chấp hành Lâm thời Công đoàn ngành đại học - Trung học chuyên nghiệp, gồm 9 đồng chí.
Đại hội lần thứ VII CĐGD Việt Nam
Ngày 06-09/4/1978, Đại hội lần thứ VII CĐGD Việt Nam khai mạc trọng thể tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đây là Đại hội lịch sử lần đầu tiên, từ khi thống nhất đất nước, của CĐGD Việt Nam.
Đại hội đã đề ra nhiệm vụ tổng quát trong nhiệm kỳ là: “Phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của GV-CB-CNV đối với sự nghiệp giáo dục, đẩy mạnh các phong trào cách mạng trong các trường học mà trung tâm là phong trào thi đua hai tốt theo gương các điển hình tiên tiến, thực hiện tốt các nguyên lý giáo dục của Đảng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo lớp người lao động mới, tích cực chuẩn bị và từng bước thực hiện cải cách giáo dục; không ngừng giáo dục rèn luyện, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, hết sức chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ GV-CB-CNV nhằm từng bước xây dựng một đội ngũ trí thức của giai cấp công nhân Việt Nam; xây dựng công đoàn giáo dục lớn mạnh về tư tưởng, về tổ chức; tích cực cải tiến phương thức hoạt động làm cho Công đoàn Giáo dục thực sự là tổ chức rộng lớn nhất của giai cấp công nhân, là trường học của chủ nghĩa cộng sản, trường học quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước”.
Đại hội lần thứ nhất Công đoàn ĐH-THCN Việt Nam
Ngày 28-30/9/1978 tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã tiến hành Đại hội đại biểu Công đoàn ngành Đại học-Trung học chuyên nghiệp. Đại hội đã đề ra phương hướng và nhiệm vụ chung của công đoàn ĐH-THCN nhiệm kỳ 1978-1982 như sau:
“Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, làm cho mọi người nhận rõ tình hình và nhiệm vụ mới của đất nước. Trên cơ sở đó, tăng cường đoàn kết và động viên cao độ lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, nâng cao ý chí chiến đấu, tinh thần tự lực, tự cường, xây dựng phát huy quyền làm chủ tập thể, đẩy mạnh phong trào đồng khởi thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của ngành với hai nhiệm vụ trung tâm và thực hiện tốt 3 kết hợp. Tổ chức và quản lý tốt đời sống, xây dựng nếp sống văn minh trong các trường ĐH – THCN. Kiện toàn tổ chức công đoàn các cấp, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực và phương pháp công tác của cán bộ công đoàn, đặc biệt chú trọng xây dựng củng cố công đoàn cơ sở. Nâng cao cảnh giác cách mạng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, xây dựng lực lượng tự vệ vững mạnh trong các trường, sẵn sàng chiến đấu cùng nhân dân cả nước kiên quyết đập tan mọi âm mưu phá hoại của bọn đế quốc và bọn phản động trong và ngoài nước, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Đại hội lần thứ VIII CĐGD Việt Nam
Đại hội lần thứ VIII CĐGD Việt Nam tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh từ ngày 26-28/4/1982.
Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 1982-1987 trong đó nhấn mạnh những nội dung chính yếu sau:
- Tăng cường giáo dục chính trị-tư tưởng cho đội ngũ GV-CB-CNV trong ngành nhằm nâng cao ý thức giác ngộ xã hội chủ nghĩa, phát huy những truyền thống cách mạng của Nhà giáo Việt Nam, nâng cao năng lực về mọi mặt nhằm thực hiện một cách tích cực và vững chắc nhiệm vụ cải cách giáo dục.
- Cùng với chuyên môn tiếp tục tổ chức chỉ đạo tốt phong trào “thi đua Hai tốt theo gương các điển hình tiên tiến”.
- Chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ GV-CB-CNV tạo điều kiện cho anh chị em cống hiến nhiều nhất cho sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ.
- Đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của công đoàn theo hướng đi sâu vào ngành nghề, đi sát quần chúng, đặc biệt chú trọng củng cố công đoàn trường học.
Đại hội lần thứ II Công đoàn ĐH-THCN
Đại hội lần thứ II Công đoàn ngành ĐH-THCN tổ chức từ ngày 25-28/8/1982 tại nhà nghỉ Quảng Bá, Hà Nội.
Đại hội đã quyết nghị nhiệm vụ chung của Công đoàn ĐH-THCN trong nhiệm kỳ như sau:
- Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục và vận động đội ngũ GV-CB-CNV trong ngành bằng nhiều hình thức thích hợp, nhằm củng cố lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy nhiệt tình cách mạng, quyết tâm vượt khó khăn thực hiện tốt kế hoạch 5 năm(1981-1985) của ngành.
- Đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, nghiên cứu khoa học – kỹ thuật phục vụ sản xuất, đời sống quốc phòng, thực hiện tiết kiệm để thiết thực phấn đấu giữ vững và từng bước nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện, góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học-kỹ thuật, cán bộ quản lý kinh tế của đất nước
- Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của GV-CB-CNV và học sinh trong các nhà trường ĐH- THCN.
- Kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực hoạt động của công đoàn: cải tiến công tác và phương pháp hoạt động của công đoàn, đi sâu vào ngành nghề, sát với quần chúng cơ sở, làm cho hoạt động của công đoàn phục vụ đắc lực cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành.
Đại hội lần thứ IX CĐGD Việt Nam
Đại hội lần thứ IX CĐGD Việt Nam tổ chức từ ngày 19-21/4/1988 tại nhà khách Chính phủ (Hùng Vương, Hà Nội).
Đại hội đã xác định phương hướng, nhiệm vụ chung của CĐGD Việt Nam trong nhiệm kỳ là:
"Phát huy dân chủ XHCN trong các trường học, cơ quan quản lý giáo dục, chăm lo đời sống và bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của GV - CB - CNV; đổi mới tổ chức và phương hướng thức hoạt động công đoàn giáo dục các cấp; phát huy tiềm năng lao động sáng tạo của đội ngũ GV -CB -CNV và quyền chủ động của công đoàn trường học nhằm xây dựng đội ngũ, ổn định nhà trường, thực hiện chất lượng và hiệu quả giáo dục".
Đại hội lần thứ III Công đoàn ĐH-THCN-DN
Năm 1986, Tổng cục dạy nghề sát nhập vào Bộ ĐH và THCN, lấy tên là Bộ Đại học - Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề. Công đoàn ngành được tập hợp thêm GV-CB-CNV của Tổng cục Dạy nghề và lấy tên là Công đoàn ngành Đại học - Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề.
Đại hội lần thứ III Công đoàn ĐH-THCN-DN tổ chức từ ngày 11-13/5/1988 tại nhà khách Chính phủ (Hùng Vương, Hà Nội). Đại hội đã quyết nghị phương hướng chung của nhiệm kỳ là:
"Giáo dục động viên GV - CB - CNV hiểu đúng những khó khăn kinh tế, xã hội của đất nước; nâng cao tinh thần trách nhiệm, góp phần thực hiện tốt ba chương trình của ngành đề ra:
- Cải cách cơ cấu hệ thống, mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục đại học và chuyên nghiệp.
- Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất cải thiện điều kiện vất chất và kỹ thuật của đào tạo.
- Xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đại học và chuyên nghiệp.
Chăm sóc và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên. Đổi mới và cải tiến tổ chức, nội dung, phương pháp hoạt động công đoàn vững mạnh, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo"
Hoạt động của CĐGD Việt Nam và công đoàn ĐH-THCN-DN trong giai đoạn hợp nhất
Ngày 31/3/1990, Hội đồng Nhà nước ra Quyết định số 244/NQ-HĐNN về việc thành lập Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở hợp nhất hai Bộ: Bộ Giáo dục và Bộ Đại học - Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề
Ngày 15/10/1990, Ban Thư ký TLĐLĐVN ban hành Quyết định 772/QĐ-TLĐ hợp nhất: CĐGD Việt Nam và Công đoàn ĐH-THCN-DN Việt Nam thành Công đoàn Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.
Hoạt động của Công đoàn Giáo dục và Đào tạo Việt Nam thời kỳ này là tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội CĐGDVN lần thứ IX và Đại hội CĐ ĐH-THCN-DN lần thứ III; tiếp tục đổi mới tư duy trong hoạt động công đoàn; chuẩn bị tốt Đại hội Công đoàn Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, đại hội đầu tiên từ khi hợp nhất.
Đại hội lần thứ X Công đoàn Giáo dục và Đào tạo Việt Nam
Đại hội lần thứ X Công đoàn Giáo dục và Đào tạo Việt Nam được tổ chức từ ngày 20 - 22/4/1993 tại Nhà khách Chính phủ (Hùng Vương, Hà Nội).
Đại hội đã đề ra mục tiêu là: "Vì lợi ích và vị trí xã hội của giáo giới và những người lao động trong ngành; vì sự đổi mới, ổn định phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn" và nhiệm vụ tổng quát trong nhiệm kỳ là: "Tập trung vào công tác chăm lo bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của GV-CB-CNV; tích cực xây dựng đội ngũ, tham gia vào quá trình đổi mới, ổn định và phát triển giáo dục - đào tạo, đáp ứng yêu cầu kinh tế-xã hội của đất nước; mở rộng dân chủ hoá nhà trường và xã hội hoá giáo dục; xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, đảm bảo tính độc lập, tự chủ và xứng đáng là người đại diện cho tiếng nói, lợi ích đoàn viên và lao động trong ngành".
Đại hội nhất trí đổi tên Công đoàn Giáo dục và Đào tạo Việt Nam thành CĐGD Việt Nam.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 41 uỷ viên. Đồng chí Nguyễn Mậu Bành được bầu làm Chủ tịch; đồng chí Phạm Trung Thanh và đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Quyên được bầu làm Phó Chủ tịch. Do điều kiện công tác, hội nghị lần thứ ba BCH CĐGDVN (tháng 3/1994) đã bầu đồng chí Nguyễn Thanh Phong làm Phó Chủ tịch, đồng chí Phạm Trung Thanh tiếp tục tham gia Ban Thường vụ CĐGDVN.
Đại hội lần thứ XI CĐGD Việt Nam
Đại hội lần thứ XI CĐGD Việt Nam tổ chức từ ngày 23-25/7/1998 tại hội trường Ba Đình, Hà Nội.
Đại hội đã đề ra nhiệm vụ tổng quát là: "Hoạt động CĐGD Việt Nam trong thời kỳ này hướng tập trung vào chăm lo xây dựng đội ngũ, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và lao động trong ngành, đặc biệt chú trọng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất tốt đẹp của Nhà giáo Việt Nam cho CB-GV-CNV. Nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Hai tốt” và các cuộc vận động, các phong trào quần chúng rộng lớn trong ngành nhằm phát huy tiềm năng lao động sáng tạo của đội ngũ và sức mạnh tổng hợp của các lực lượng xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu, nội dung giáo dục - đào tạo theo tinh thần NQ Đại hội Đảng VIII và chiến lược giáo dục trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động công đoàn; khẳng định hệ thống 4 cấp của CĐGD Việt Nam trong tổ chức Công đoàn Việt Nam; xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, xứng đáng là người đại diện cho tiếng nói và lợi ích của đoàn viên và lao động trong ngành”.
XVII. Đại hội lần thứ XII CĐGD Việt Nam
Đại hội lần thứ XII CĐGD Việt Nam từ ngày 25-26/4/2003 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội.
Đại hội đã đề ra mục tiêu hoạt động CĐGD Việt Nam trong nhiệm kỳ là: "Vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quýôc Việt Nam XHCN; Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức công đoàn; Vì yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, vì lợi ích và vị trí xã hội của nhà giáo và những người lao động trong ngành; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương pháp, tác phong hoạt động công đoàn góp phần cùng với ngành tạo ra bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận với trình độ tiên tiến của thế giới, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, hướng tới một xã hội học tập, phục vụ thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phấn đấu đưa nền giáo dục nước ta thoát khỏi tình trạng tụt hậu so với các nước phát triển trong khu vực; Phát triển giáo dục đáp ứng với yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước".
Đại hội lần thứ XIII CĐGD Việt Nam
Đại hội đại biểu CĐGD Việt Nam lần thứ XIII được tổ chức từ ngày 6 đến ngày 7/5/2008 tại Hội trường Cung Văn hóa Hữu nghị, Hà Nội.
Đại hội đã đề ra mục tiêu hoạt động công đoàn giáo dục trong nhiệm kỳ là:
Vì mục tiêu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, vì lợi ích và vị trí xã hội của Nhà giáo và người lao động trong ngành, tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động công đoàn, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo và người lao động; tổ chức sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động trong ngành, góp phần tạo chuyển biến cơ bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà, tiếp cận với trình độ giáo dục của khu vực và trên thế giới; đảm bảo công bằng về cơ hội học tập cho mọi người, tạo điều kiện để xây dựng xã hội học tập, đáp ứng nguồn nhân lực cho sự nghiệp CNH - HĐH đất nước.
Đại hội lần thứ XIV Công đoàn Giáo dục Việt Nam
Đại hội đại biểu CĐGD Việt Nam lần thứ XIV được tổ chức từ ngày 25 đến ngày 26/3/2013 tại Hội trường Cung Văn hóa Hữu nghị, Hà Nội.
Đại hội đã đề ra mục tiêu hoạt động công đoàn giáo dục trong nhiệm kỳ là: Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn giáo dục các cấp, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo và người lao động; tổ chức sâu rộng phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động trong ngành; tuyên truyền vận động và tham gia đổi mới công tác quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn, xây dựng tổ chức công đoàn ngành Giáo dục ngày càng lớn mạnh, góp phần thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; Đại hội đã đề ra 6 chương trình công tác toàn khóa.
Khẩu hiệu hành động:“Vì nhà giáo và người lao động, vì sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, vì sự phát triển bền vững của đất nước, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn”.
Đại hội lần thứ XV Công đoàn Giáo dục Việt Nam
Đại hội đại biểu CĐGD Việt Nam lần thứ XV được tổ chức từ ngày 19 đến ngày 20/4/2018 tại Hội trường Cung Văn hóa Hữu nghị, Hà Nội.
Với khẩu hiệu hành động của Đại hội là: “Dân chủ - Đổi mới - Sáng tạo - Thiết thực - Trách nhiệm”, tất cả vì quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của CBNGNLĐ trong ngành.
Đại hội đã đề ra mục tiêu: Tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động CĐGD các cấp, để tập hợp đông đảo người lao động tham gia tổ chức công đoàn; thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CBNGNLĐ, bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín nhà giáo, nghề giáo; tăng cường phát triển lợi ích của đoàn viên công đoàn; đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục, tập trung nâng cao năng lực ứng xử, đạo đức phong cách nhà giáo; xây dựng môi trường giáo dục văn hóa, dân chủ, kỷ cương, an toàn, thân thiện trong các nhà trường. Đổi mới và triển khai có chiều sâu các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động trong ngành, trong đó tập trung triển khai nội dung thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” và cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; “Quyên góp hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn”. Tiếp tục nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công đoàn, xây dựng tổ chức công đoàn ngành Giáo dục ngày càng vững mạnh, góp phần thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.
Năm 2021, kỷ niệm 70 năm thành lập Công đoàn Giáo dục Việt Nam (22/7/1951 - 22/7/2021), với những dấu ấn trên chặng đường lịch sử, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã phát động Công đoàn các cấp thi đua lập thành tích, thiết thực tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền để giúp cho cán bộ, nhà giáo, người lao động - đoàn viên công đoàn trong toàn ngành hiểu thêm về lịch sử truyền thống của ngành, tôn vinh những thành tích xuất sắc đã đạt được, tiếp tục phấn đấu xây dựng tổ chức công đoàn, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.