Công nhân bày tỏ khát vọng phát triển đất nước trong chương trình Thủ tướng đối thoại với CNLĐ
tại Bắc Giang năm 2022
Ngày 28 tháng 7 năm 1929, tại ngôi nhà số 15 phố Hàng Nón, Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Đông Dương Cộng sản Đảng, Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ chính thức được thành lập, do lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh đứng đầu. Đây là bước ngoặt lớn của phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn Việt Nam, khẳng định sự lớn mạnh của phong trào công nhân Việt Nam, là kết quả tất yếu của phong trào công vận đúng đắn và sự truyền bá lý luận công đoàn cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Trước thành công của Đại hội thành lập Công hội Đỏ Bắc Kỳ, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định lấy ngày 28/7/1929 là ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ 5 (tháng 11/1983) đã thông qua Nghị quyết, lấy ngày 28/7/1929 là ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.
|
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gặp mặt 90 Chủ tịch Công đoàn cơ sở tiêu biểu năm 2019
|
Tổ chức công đoàn của người lao động, do người lao động, vì người lao động
93 năm xây dựng và phát triển, trải qua 12 kỳ đại hội, với các tên gọi khác nhau: Công hội Đỏ, Nghiệp đoàn ái hữu, Hội công nhân phản đế, Hội công nhân cứu quốc, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng Công đoàn Việt Nam và nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh. Từ chỗ chỉ chiếm số ít trong cơ cấu lao động của đất nước, chủ yếu là công nhân làm việc trong các đồn điền, hầm mỏ, công xưởng nhỏ, ngày nay, giai cấp công nhân đã trở thành lực lượng tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thời kỳ đấu tranh giành chính quyền 1930-1945, Công đoàn Việt Nam là trung tâm tập hợp, vận động giáo dục, tổ chức công nhân, viên chức, lao động tham gia tích cực vào công cuộc cách mạng và có những đóng góp cụ thể, thể hiện xuất sắc vai trò, sứ mệnh lịch sử là giai cấp tiên phong lãnh đạo cách mạng Việt Nam, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ những năm 1945-1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam cùng với nhân dân trong cả nước, luôn thể hiện tinh thần cách mạng quật cường, dũng cảm, hy sinh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là đội quân chủ lực của cách mạng Việt Nam.
Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã phát huy vai trò của mình, ra sức động viên giai cấp công nhân và người lao động thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá trong cả nước, quyết vượt qua mọi khó khăn, tìm mọi cách để ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, của công nhân lao động.
35 đổi mới đất nước, tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn gắn bó máu thịt với giai cấp công nhân, đồng hành với dân tộc và tuyệt đối trung thành với đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Phương thức hoạt động công đoàn có những đổi mới quan trọng. Đoàn Chủ tịch, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn, lãnh đạo các cấp công đoàn đã phát huy vai trò trách nhiệm trước đoàn viên, người lao động; đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, lề lối làm việc theo hướng dân chủ, sâu sát hơn với cơ sở, tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu…
Các cấp công đoàn hướng trọng tâm hoạt động vào thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động, đẩy mạnh thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể và đối thoại tại nơi làm việc. Cùng với đó là quan tâm lựa chọn những vấn đề cụ thể, bức xúc, cấp thiết của đoàn viên, người lao động ở cơ sở để nghiên cứu ban hành văn bản, tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đạt kết quả, tạo chuyển biến, được đoàn viên, người lao động và xã hội ghi nhận. Điển hình như Nghị quyết số 07c/NQ-BCH ngày 25/2/2016 về chất lượng bữa ăn ca của người lao động; các văn bản chỉ đạo thực hiện các giải pháp hỗ trợ đoàn viên, người lao động trong bối cảnh của dịch bệnh Covid - 19; kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng Bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động…
Những năm gần đây, đội ngũ cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân lao động phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Tính đến đến hết tháng 6.2022, tổng số đoàn viên cả nước là hơn 10,8 triệu đoàn viên, sinh hoạt trong hơn 125.821 CĐCS. Đội ngũ công nhân lao động và đoàn viên công đoàn nhận thức rõ bản chất giai cấp tiên phong, là chỗ dựa vững chắc của Đảng, góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ ổn định chính trị và phát triển KT-XH của đất nước. Đặc biệt là đã từng bước hình thành một bộ phận công nhân lao động có năng lực chuyên môn, có khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật hiện đại tiên tiến ở một số ngành nghề theo định hướng cơ cấu kinh tế của cả nước.
Công tác cán bộ công đoàn có nhiều đổi mới, được thực hiện nghiêm túc, bài bản hơn. Việc thay đổi tư duy hoạt động công đoàn trong bối cảnh mới của một bộ phận cán bộ công đoàn đang tạo sức bật mới, là tiền đề xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh và đổi mới hoạt động Công đoàn Việt Nam.
Trong bối cảnh tình hình mới, Công đoàn Việt Nam đã chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế và khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam trên trường quốc tế. Đến nay, toàn hệ thống đã thiết lập quan hệ đối tác với khoảng 150 đối tác song phương và đa phương, là thành viên tích cực và có trách nhiệm đối với Liên hiệp Công đoàn thế giới, là đối tác của Tổng Công đoàn quốc tế. Trong quan hệ song phương, Công đoàn Việt Nam tiếp tục củng cố, tăng cường mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết với các đối tác truyền thống; thiết lập quan hệ với nhiều đối tác mới. Tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế và tăng cường vận động, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế; tham gia Đoàn đàm phán của Chính phủ về các nội dung liên quan đến lao động trong hiệp định TPP và CPTPP, góp ý kiến với cơ quan có thẩm quyền về việc nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các công ước quốc tế, nhất là công ước trong lĩnh vực lao động. Thông qua hoạt động hợp tác quốc tế, Công đoàn Việt Nam đã được chia sẻ nhiều kinh nghiệm hoạt động công đoàn, tranh thủ quảng bá đất nước, con người, môi trường đầu tư và tổ chức Công đoàn Việt Nam với cộng đồng thế giới; đấu tranh ngăn chặn âm mưu chống phá Việt Nam và Công đoàn Việt Nam.
Những đổi mới đó cùng những thành tích xuất sắc đạt được, tổ chức Công đoàn Việt Nam vinh dự được đón nhận Huân chương Sao vàng lần thứ hai, phần thưởng cao quý do Đảng và Nhà nước trao tặng vào dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.
Bước chuyển mình tất yếu của tổ chức công đoàn
Thời gian tới, số lượng công nhân, lao động tăng nhanh, hoạt động công đoàn tiếp tục mở rộng và chuyển mạnh sang khu vực ngoài nhà nước. Quá trình phát triển kinh tế thị trường; những cơ hội, thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sẽ tác động sâu sắc đến việc làm, chất lượng nguồn nhân lực, việc thu hút, tập hợp người lao động... Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu cấp bách phải đổi mới mạnh mẽ, thực chất hơn tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam (1).
Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW của về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” (Nghị quyết 02) khẳng định sự quan tâm, quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng, đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp thiết thực nhằm chăm lo, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh và tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Trước sự chuyển mình tất yếu này của tổ chức Công đoàn Việt Nam, cán bộ công đoàn, đoàn viên, CNVCLĐ, nhất là công nhân lao động đang làm việc trong các loại hình doanh nghiệp kỳ vọng về những đổi mới mang tính tích cực và đột phá. Sự đổi mới này không chỉ mang lại quyền và lợi ích cho đoàn viên công đoàn nói chung là còn mang nhiều tác động tích cực đến nhiều đối tượng khác.
Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 02, Đảng đoàn đã lãnh đạo Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức nghiên cứu, xây dựng và ban hành Chương trình hành động số 02/Ctr-BCH ngày 20/7/2021 về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị; chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết trong toàn hệ thống Công đoàn, đồng thời tham mưu cấp ủy Đảng cùng cấp xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai Nghị quyết.
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 02 trong các cấp Công đoàn cho thấy, nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của Nghị quyết được quán triệt nhất quán; công tác xây dựng chương trình, kế hoạch hành động được triển khai kịp thời, đầy đủ; công tác tổ chức học tập quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 02 tại các địa phương, ngành được tổ chức bài bản, bước đầu đạt kết quả tốt, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn, nhất là trong bối cảnh vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Kết quả đáng ghi nhận là hoạt động của các cấp Công đoàn đã có nhiều đổi mới, chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng cao. Trong đó, phải nhấn mạnh đến một số kết quả nổi bật đã đạt được, đó là: Hoạt động Công đoàn đã hướng mạnh về cơ sở, tập trung hơn vào các nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Đặc biệt, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 làn sóng thứ tư, các cấp Công đoàn đã chủ động, sáng tạo, trách nhiệm trong tổ chức các hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ số, internet, mạng xã hội trong chỉ đạo điều hành, tuyên truyền, vận động người lao động, qua đó phát huy tinh thần tiên phong, sáng tạo, trách nhiệm, an toàn, thích ứng của CNLĐ trong hưởng ứng các chủ trương, quyết sách của Chính phủ.
Sau dịch bệnh, tổ chức Công đoàn đã có nhiều biện pháp giúp đỡ, động viên, khuyến khích người lao động quay trở lại thị trường lao động, qua đó giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, công nhân lao động có việc làm, ổn định tình hình quan hệ lao động.
Lịch sử 93 năm hình thành và phát triển của Công đoàn Việt Nam đã khẳng định luận điểm nổi tiếng của Lênin, đó là “Giai cấp công nhân ở bất kỳ nơi nào trên thế giới cũng chỉ phát triển và chỉ có thể phát triển bằng con đường Công đoàn, bằng sự tác động qua lại giữa Công đoàn và Đảng của giai cấp công nhân, chứ không thể bằng con đường nào khác’’(2).
Cùng với đó là sự chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của tổ chức Công đoàn “Tổ chức công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn lợi quyền cho công nhân; năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới” (3). Đó là những giá trị bền vững, cốt lõi mà tổ chức Công đoàn Việt Nam cần tiếp tục phát huy trong thời đại mới.
Nguyễn Thị Ngọc Tú – Trần Tố Hảo
Viện Công nhân và Công đoàn
Nguồn: tuyengiao.vn