Các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ
Toàn cảnh Đại hội
Đến dự và chỉ đạo Đại hội có đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam; đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đồng chí Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ bộ quản lý Bộ GD&ĐT, nguyên Chủ tịch CĐGD Việt Nam và đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục Bộ GD&ĐT, Đảng ủy Bộ GD&ĐT, Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ thành phố Hà Nội, lãnh đạo một số trường Đại học, đặc biệt là 250 đại biểu chính thức là những cán bộ công đoàn tiêu biểu từ CĐGD các tỉnh, thành phố; công đoàn các Đại học Quốc gia, Đại học Vùng, các trường Đại học, cao đẳng sư phạm, các đơn vị trực thuộc CĐGD Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh: trong bối cảnh khó khăn, thách thức và thuận lợi đan xen, Đại hội sẽ rút ra bài học kinh nghiệm, xác định và triển khai nhiệm vụ, giải pháp cho một nhiệm kỳ mới, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Đại hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2023 - 2028 diễn ra vào thời điểm các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị đang ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu vượt mọi khó khăn thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo; Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch CĐGD Việt Nam phát biểu khai mạc tại Đại hội CĐGD Việt Nam lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2023 – 2028
Tại Đại hội, đồng chí Đặng Hoàng Anh, Phó Chủ tịch CĐGD Việt Nam đã trình bày báo cáo kết quả hoạt động của Ban Chấp hành Việt Nam khóa XV nhiệm kỳ 2018 -2023 và phương hướng, nhiệm vụ, các chỉ tiêu nhiệm kỳ 2023 -2028. Theo đó, trong nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp CĐGD Việt Nam đã tập trung vào công tác đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng, chăm lo thiết thực cho đoàn viên và CBNGNLĐ, tham gia quản lý, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định đã đạt được những kết quả tích cực; công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động luôn đổi mới; công tác nữ công và phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” tiếp tục đổi mới, góp phần chăm lo, phát triển đội ngũ nữ CBNGNLĐ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ… Xây dựng cán bộ công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín và phương pháp công tác tốt. Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, phong cách làm việc của đoàn viên, người lao động; xây dựng đội ngũ CBNGNLĐ hiện đại, lớn mạnh; tiếp tục khẳng định vị thế của CĐGD Việt Nam là trung tâm tập hợp, đoàn kết đội ngũ CBNGNLĐ, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Phương hướng nhiệm kỳ 2023 -2028 tập trung vào nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn ngành Giáo dục, tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới, trọng tâm là chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ; Xây dựng CBCĐ có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín và phương pháp công tác tốt. Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, phong cách làm việc của đoàn viên, NLĐ; xây dựng đội ngũ CBNGNLĐ hiện đại, lớn mạnh; tiếp tục khẳng định vị thế của CĐGD Việt Nam là trung tâm tập hợp, đoàn kết đội ngũ CBNGNLĐ cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.
Đ/c Đặng Hoàng Anh - Phó Chủ tịch CĐGD Việt Nam trình bày báo cáo của Ban Chấp hành CĐGD Việt Nam khóa XV trình Đại hội XVI
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cũng đề nghị trong nhiệm kỳ mới, CĐGD Việt Nam tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, của Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT cụ thể hóa nghị quyết của Đại hội thành chương trình hành động cụ thể khả thi thiết thực. Phát huy tốt hơn nữa vai trò của tổ chức công đoàn là đại diện bảo vệ chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của CBNGNLĐ trong ngành, tham gia đề xuất xây dựng các quy định chính sách đối với nhà giáo, giám sát việc thực hiện chính sách trong các cơ sở giáo dục đặc biệt tập trung cho việc góp ý hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ GD&ĐT, đặc biệt là dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội ban hành. Đồng thời làm tốt hơn nữa cuộc vận động hỗ trợ giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, kịp thời động viên hỗ trợ nhà giáo gặp khó khăn hoạn nạn; quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần của nhà giáo, thực sự trở thành điểm tựa cho nhà giáo trước những áp lực của công việc và đòi hỏi ngày càng cao của xã hội đối với ngành, với nghề; phát hiện bồi dưỡng nhân rộng tôn vinh các điển hình tiên tiến gương người tốt việc tốt trong đội ngũ nhà giáo.
Đồng chí Phạm Ngọc Thưởng - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu tại Đại hội
Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đánh giá cao những kết quả mà CĐGD Việt Nam đạt được trong nhiệm kỳ qua. CĐGD Việt Nam đã tổ chức các hoạt động, các Cuộc thi thật sự sáng tạo, đổi mới, mang dấu ấn riêng, góp phần vào sự thành công của tổ chức công đoàn và sự phát triển của Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh đó, đồng chí cũng gợi mở và đề nghị CĐGD Việt Nam trong thời gian tới cần tiếp tục đầu tư, bồi dưỡng nhằm đổi mới tư duy cho lực lượng cán bộ công đoàn trong thời kỳ hội nhập, tự chủ; đẩy mạnh hơn nữa hoạt động đối thoại thương lương - bởi hiện nay tự chủ đại học đang được triển khai trên diện rộng, do đó cán bộ công đoàn các cấp cần được bồi dưỡng, nâng cao năng lực thương lượng, đối thoại ở cơ sở nhằm đem lại nhiều hơn nữa phúc lợi cho đoàn viên, người lao động, hạn chế đơn thư, khiếu nại. Cùng với đó, CĐGD Việt Nam cần tiếp tục quan tâm, đầu tư tham gia, xây dựng chính sách pháp luật để nói lên tiếng nói của đoàn viên, người lao động; làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền và ứng dụng công nghệ thông tin để đoàn viên, người lao động thêm hiểu, yêu công đoàn, yêu trường, yêu các cháu mầm non, học sinh, sinh viên; lan toả ý nghĩa của hoạt động công đoàn chăm lo đoàn viên, người lao động tới nhiều người hơn nữa…
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại Đại hội CĐGD Việt Nam khoá XVI
Các đại biểu tiến hành biểu quyết tại Đại hội
Tại Đại hội, CĐGD Việt Nam đã nêu các kiến nghị, đề xuất của cán bộ, nhà giáo, người lao động ngành Giáo dục đối với Đảng, Nhà nước, Bộ GD&ĐT, Tổng LĐLĐ Việt Nam. Trong đó:
Đề nghị Đảng, Nhà nước khi thực hiện cải cách tiền lương, xây dựng thang bảng lương mới thì xếp thang bảng lương của nhà giáo cao nhất và đảm bảo nhà giáo sống được bằng đồng lương của mình; Đề nghị Quốc hội sửa đổi Luật Lao động hiện hành cần điều chỉnh một số nội dung về đối tượng trong danh mục nhóm lao động nặng nhọc, độc hại, theo đó đưa giáo viên mầm non vào nhóm đối tượng này để họ được nghỉ hưu ở tuổi 55. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương không thực hiện tinh giản biên chế giáo viên một cách cơ học để đảm bảo đủ tỉ lệ giáo viên đứng lớp nhằm thực hiện hiệu quả đổi mới chương trình - sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, tham mưu với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, nghiên cứu, xây dựng và ban hành chính sách tiền lương mới, trong đó quan tâm đến thang, bảng lương đối với nhà giáo phải đảm bảo để họ sống được bằng đồng lương, đồng thời để thu hút và giữ chân giáo viên, giảng viên với nghề dạy học. Có chế độ đối với nhân viên là cô nuôi ở các trường mầm non, trong đó đưa đối tượng này vào diện biên chế hoặc có cơ chế để hợp đồng dài hạn…Đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục phối hợp với các địa phương quan tâm bố trí nguồn lực đảm bảo các thiết chế, điều kiện và môi trường làm việc ngày càng tốt hơn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe đối với CBNGNLĐ…
Các tổ thảo luận làm việc
Đại hội đã tiến hành thảo luận tại 04 tổ, với 37 ý kiến phát biểu tại các tổ thảo luận và 04 tham luận trực tiếp tại Đại hội. Các ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm vì phong trào hoạt động công đoàn trong thời gian tới. Hầu hết ý kiến đều thống nhất với các văn kiện của Đại hội và cho rằng văn kiện được chuẩn bị công phu, khoa học, có nhiều điểm mới, mạnh dạn nhìn thẳng, đánh giá đúng thực trạng hoạt động công đoàn, cũng như phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ tới.
Đoàn Chủ tịch đã giải trình và tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu tham dự Đại hội theo hướng đó là: có nội dung bổ sung vào báo cáo chính trị, có nội dung sẽ được cụ thể hóa vào chương trình hành động thực hiện nghị quyết và các chương trình, kế hoạch công tác thường xuyên, đảm bảo dân chủ, tập trung tối đa trí tuệ của đại biểu.
Đại hội giao Ban Chấp hành Công đoàn Giáo dục Việt Nam khoá XVI tiếp thu ý kiến phát biểu chỉ đạo tại Đại hội của đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, các ý kiến đóng góp của đại biểu Đại hội để bổ sung vào nhiệm vụ và giải pháp triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ 2023 – 2028, hoàn thiện các văn kiện, đồng thời xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và triển khai thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội đã thông qua.
Đoàn Chủ tịch và các đại biểu tham gia bỏ phiếu bầu Ban chấp hành CĐGD Việt Nam khóa XVI
Đại hội đã tiến hành bầu cử Ban Chấp hành Công đoàn Giáo dục Việt Nam khóa XVI, nhiệm kỳ 2023 – 2028 và bầu đại biểu dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Kết quả là: 30 đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành CĐGD Việt Nam; 7 đại biểu chính thức và 01 đại biểu dự khuyết dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Ban Chấp hành Công đoàn Giáo dục Việt Nam khóa XVI ra mắt Đại hội
Đại hội đã tiến hành Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ nhất. Tại Hội nghị đã bầu Ban Thường vụ CĐGD Việt Nam khóa XVI, gồm: 07 đồng chí; bầu đồng chí Nguyễn Ngọc Ân tiếp tục giữ chức Chủ tịch; đồng chí Đặng Hoàng Anh tiếp tục giữ chức vụ Phó Chủ tịch và đồng chí Lê Thị Mai Oanh được bầu là Phó Chủ tịch; bầu Ủy ban kiểm tra Công đoàn Giáo dục Việt Nam khóa XVI, gồm 08 đồng chí và bầu đồng chí Trần Mạnh Thắng tiếp tục làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Giáo dục Việt Nam khóa XVI.
Đại hội đã nhất trí thông qua Dự thảo Nghị quyết Đại hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2023 – 2028, với 14 nhóm chỉ tiêu và 03 khâu đột phá.
Đ/c Lê Thị Mai Oanh – Trưởng đoàn Thư ký thông qua dự thảo Nghị quyết Đại hội CĐGD Việt Nam khóa XVI
Trong khuôn khổ chương trình Đại hội đã trao thưởng bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho cho 06 tập thể và 29 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động công đoàn giai đoạn 2018 – 2023, trao bằng khen của CĐGD Việt Nam cho 12 tập thể và 3 cá nhân; tặng quà tri ân, chia tay các đồng chí không tái cử BCH nhiệm kỳ 2023-2028.
Các tập thể và cá nhận nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Tri ân các đồng chí không tái cử Ban Chấp hành CĐGD Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028
Đại hội XVI Công đoàn Giáo dục Việt Nam thể hiện ý chí, quyết tâm và tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ CBNGNLĐ; đánh dấu bước phát triển của Công đoàn ngành Giáo dục trong giai đoạn mới. Nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, phát huy truyền thống hơn 72 năm qua, Công đoàn Giáo dục Việt Nam và các cấp công đoàn nêu cao tinh thần đoàn kết, năng động, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, xây dựng đội ngũ CBNGNLĐ và tổ chức công đoàn vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XVI CĐGD Việt Nam, Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam; đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo; đáp ứng với yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Tin bài: Ban Tuyên giáo – Nữ công CĐGD Việt Nam
Nguồn: congdoangdvn.org.vn
|