Ở thời nào cũng vậy, nghề dạy học luôn được xem là nghề cao quý nhất, bởi đào tạo nên nguồn nhân lực có chất lượng cao sẽ quyết định sự phát triển của đất nước. Tư tưởng ấy từ lâu trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt hàng ngàn năm gìn giữ và xây dựng đất nước, được kế thừa và phát huy theo chiều dài lịch sử và dòng chảy của thời gian. Tên tuổi những nhà giáo nổi tiếng, những “người chèo đò” vĩ đại mãi mãi được sử sách lưu danh: Nhà giáo nữ đầu tiên ở nước ta vào thế kỷ XV là Ngô Chi Lan, được vua Lê Thánh Tông mời vào cung dạy học; Thầy Chu Văn An (1292-1379), Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585), Lê Quý Đôn (1726 - 1784), “La Sơn Phu Tử’ Nguyễn Thiếp (1723 - 1804), Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), Nguyễn Khuyến (1835-1909); Thầy giáo Nguyễn Tất Thành, Chủ tịch Hồ Chí Minh người thầy mẫu mực của cách mạng Việt Nam; Thầy giáo Võ Nguyên Giáp,... Họ là những người Thầy được cả xã hội tôn vinh và người đời kính trọng. Họ không chỉ dạy chữ cho học trò, mà còn dạy cho học sinh của mình đạo đức, đạo sống, đạo làm người, đó chính là những tấm gương sáng mẫu mực để lớp lớp các thế hệ thầy, cô giáo và học sinh noi theo.
Tiếp nối truyền thống tốt đẹp của nhà giáo Việt Nam, những thế hệ người thầy hôm nay đang tiếp tục vượt qua những khó khăn thách thức, tận tụy với học sinh thân yêu, hết mình vì sự nghiệp giáo dục. Họ tiếp tục là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hoá- giáo dục - đào tạo để “Nâng cao dân trí - Đào tạo nhân lực - Bồi dưỡng nhân tài” góp phần làm cho “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, và văn minh”, đưa đất nước ta phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu. Có thể nói, từ nông thôn đến thành thị, từ đồng bằng đến vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, đâu đâu cũng thấy bóng dáng người thầy đang ra sức miệt mài thực hiện sứ mạng “Trồng người” và quyết tâm hoàn thành trọng trách của mình, góp phần to lớn cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà.
Trong suốt chiều dài lịch sử, đặc biệt kể từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ muôn vàn kính yêu, sự quan tâm của toàn xã hội, sự nỗ lực của các thế hệ cán bộ, nhà giáo, nền giáo dục Việt Nam (1945-2015) đã đạt được những thành tựu to lớn. Trong hoàn cảnh đất nước phải trải qua 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp đầy khó khăn, gian khổ, song giáo dục và đào tạo đã đạt được những thành tựu to lớn.Giáo dục từ phổ thông đến đại học được xây dựng, củng cố và từng bước phát triển, thay đổi về chất. Tất cả các trường đều được dạy - học bằng tiếng Việt. Công tác xóa mù chữ với phong trào bình dân học vụ, bổ túc văn hóa bước đầu hình thành một xã hội học tập. Đây là bước đột phá quan trọng đưa nền giáo dục Việt Nam chuyển biến sâu sắc và toàn diện, góp phần to lớn vào thắng lợi của công cuộc kháng chiến kiến quốc.
Trong thời kỳ (1954-1975) miền Bắc hoàn toàn giải phóng, đất nước tạm thời bị chia làm hai miền Nam - Bắc, Giáo dục vừa phải phục vụ cho công cuộc xây dựng ở miền Bắc vừa phải góp sức cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.Với điều kiện vô cùng ác liệt, giáo dục vẫn tiếp tục gặt hái những kết quả quan trọng, đó là việc chỉ đạo thành công chủ trương chuyển hướng giáo dục thời chiến với quy mô rộng lớn trên toàn miền Bắc.Mỗi ngày, hàng triệu học sinh, sinh viên, các thầy giáo, cô giáo, khắc phục muôn vàn khó khăn đến trường học tập, giảng dạy. Bên cạnh đó, hàng vạn nhà giáo, sinh viên miền Bắc theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu, và gần 3.000 nhà giáo đã được điều động để cùng với các nhà giáo ở miền Nam xây dựng nền móng cho sự nghiệp giáo dục cách mạng. Biết bao gương thầy cô giáo đã anh dũng hy sinh để bảo vệ nhân dân, che chở cho đàn em nhỏ thoát khỏi làn bom đạn. Nhiều thầy cô khi kết thúc chiến tranh đã trở về mái trường xưa với hình ảnh người thầy giáo thương binh và những vết thương chưa lành, mảnh đạn còn găm trên thân thể, khi trái gió trở trời còn đau buốt mà vẫn say mê, miệt mài từng trang giáo án, dạy dỗ lớp lớp học sinh khôn lớn, trưởng thành.
Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TW ngày 11/01/1979 về cải cách giáo dục trong điều kiện đất nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội. Cuộc cải cách giáo dục lần này với nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý thuyết gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và xã hội; thống nhất giáo dục trong cả nước, đánh dấu một bước phát triển mới của giáo dục.
Trong giai đoạn đổi mới, nhất là từ sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết số 29-NQ/TW, giáo dục đã đạt được những thành tựu to lớn, đó là: Hệ thống trường lớp và quy mô giáo dục phát triển, thực hiện nền giáo dục toàn dân, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân và nâng cao được trình độ đào tạo, kĩ năng nghề nghiệp; Công bằng xã hội trong giáo dục, bình đẳng giới cơ bản được bảo đảm; Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên; Công tác quản lí giáo dục chuyển biến tích cực; Đội ngũ cán bộ quản lí giáo dục và nhà giáo tăng nhanh về số lượng, đảm bảo về chất lượng; Cơ sở vật chất, kĩ thuật của hệ thống giáo dục và đào tạo được quan tâm đầu tư và từng bước hiện đại hoá; Xã hội hoá giáo dục và hợp tác quốc tế được đẩy mạnh. Đến nay đã có 22,21 triệu người đi học. Giáo dục Mầm non thu hút hơn 93% trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường; 63/63 tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; 98,7% số xã, phường có trung tâm học tập cộng đồng; mạng lưới trường đại học, cao đẳng phân bổ, mở rộng ở hầu hết các tỉnh/thành phố (219 trường đại học, 217 trường cao đẳng), hiện nay, có 62/63 tỉnh/thành phố đã có trường đại học, cao đẳng, đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực có chất lượng phụ vục phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hiện toàn ngành có hơn 1,3 triệu cán bộ, nhà giáo tâm huyết, có năng lực, ý thức trách nhiệm, tinh thần nỗ lực, cố gắng không ngừng, đang là một lực lượng đông đảo và động lực quan trọng tạo ra sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng hiệu quả giáo dục và đào tạo. Mỗi nhà giáo và cán bộ quản lý đã ý thức rõ sứ mệnh thiêng liêng và trách nhiệm cao cả trong sự nghiệp “trồng người”; luôn khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, tích cực thực hiện việc “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, hưởng ứng các phong trào thi đua, cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”,“Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”,… thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới; luôn gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm nghề nghiệp, tác phong làm việc khoa học, dân chủ, hiệu quả, xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, thân thiện, nêu cao đạo đức, thanh danh nhà giáo. Hiện cả nước có gần 100% nhà giáo ở các trường mầm non, phổ thông đã đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo; 100% cán bộ quản lý đạt chuẩn cán bộ quản lý; kết quả đánh giá xếp loại năng lực nghề theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên: có 40% nhà giáo được xếp loại xuất sắc, 50% xếp loại khá; có hơn 5.500 cán bộ, nhà giáo được cử đi học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ và 89.428 nhà giáo được hỗ trợ tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, trong đó 12.689 người học sau đại học, 76.739 người đi học đại học.
Trước yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 8 (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nghị quyết đã đánh giá cao vai trò đặc biệt quan trọng của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đồng thời đưa ra các giải pháp quan trọng để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Một trong các giải pháp then chốt, đó là “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo”. Vì vậy, đội ngũ các thầy giáo, cô giáo cần tiếp tục thường xuyên nâng cao đạo đức, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong sư phạm nhằm có đủ năng lực để thực hiện thành công mục tiêu mà Nghị quyết 29 đã đề ra, góp phần vào sự phát triển bền vững giáo dục - đào tạo nước nhà.
Trong suốt chặng đường 70 năm lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, sự quan tâm chăm lo của toàn xã hội, sự cố gắng không ngừng của các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và của người học, những thành tựu quan trọng của Giáo dục Việt Nam đã ghi dấu ấn đậm nét, công lao to lớn của biết bao bao thế hệ cán bộ nhà giáo.
Trong không khí tưng bừng và dào dạt niềm vui của ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, kính chúc đội ngũ các cán bộ quản lý, các thầy giáo, cô giáo, những người làm công tác giáo dục lời chúc mừng tốt đẹp nhất! Kính chúc các thầy giáo, cô giáo luôn mạnh khoẻ, gia đình hạnh phúc, luôn là tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo, sẵn sàng tâm thế tiếp tục vững bước trên con đường phát triển vì sự nghiệp giáo dục, đào tạo nước nhà.
Nguồn: Ban Tuyên giáo - Nữ công, CĐGD Việt Nam