Học Bác từ trong tâm
Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ được Đảng ta chính thức phát động vào năm 2007, đến nay là gần 10 năm. Chỉ thị 03-CT/T.Ư của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chính là thể hiện chủ trương của Đảng ta về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác sẽ không còn là một cuộc vận động kiểu hành chính như trước đây. Đó sẽ không còn là việc chỉ đơn thuần học Bác trong những dịp lễ hội như kỷ niệm sinh nhật Bác, kỷ niệm Quốc khánh… Mà học Bác phải trở thành nhu cầu văn hóa, yếu tố tự giác, thúc đẩy nội tâm bên trong của mỗi con người. Điểm mới của việc học tập và làm theo Bác là không coi đó là cuộc vận động có tính chất hành chính, mà nó trở thành nhu cầu văn hóa thường xuyên, tránh những chuyện phù phiếm, hình thức, lãng phí, hướng tới sự thiết thực, nhất là việc làm theo Bác.
Trong bối cảnh tình hình hiện nay, việc thực hiện Chỉ thị đó là rất quan trọng, có ý nghĩa trên rất nhiều phương diện. Thứ nhất, việc học tập tiếp tục cho chúng ta một động lực tinh thần để củng cố niềm tin vào lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà sinh thời Bác đã dồn công sức vào để thực hiện, chúng ta tiếp tục thực hiện sự nghiệp đó của Bác.
Thứ hai, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác để đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về những vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng. Sinh thời Bác là người sáng lập ra Đảng, Bác dày công rèn luyện Đảng ta thành một Đảng chân chính cách mạng. Trước tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức và lối sống như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã nhấn mạnh. Đáng lo ngại, bộ phận này lại thuộc về đội ngũ lãnh đạo quản lý các cấp. Việc học tập, làm theo Bác là một biện pháp tích cực để chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng trong sạch, vững mạng, xứng đáng là người lãnh đạo của nhân dân, xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của nhân dân.
Còn một lý do nữa khiến cuộc học tập lần này có ý nghĩa khi Đảng ta sắp sửa tổ chức Đại hội Đảng lần thứ XII. Đại hội Đảng sắp tới cũng là thời điểm công cuộc đổi mới của đất nước ta tròn 30 năm, Đảng sẽ tổng kết những vấn đề trọng yếu về lý luận và thực tiễn dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh. Và để tìm được những đột phá trong sự phát triển của dân tộc, của đất nước do Đảng lãnh đạo thì hơn lúc nào hết cần vận dụng tư tưởng, đạo đức, phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh vào cuộc sống hằng ngày của chúng ta.
Năm 2015 là năm có hàng loạt sự kiện quan trọng. Chúng ta kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước –thực hiện xuất sắc một trong những lời thề với Bác khi vĩnh biệt Người “quyết tâm giải phóng miền Nam để thỏa lòng mong ước của Người”. Năm nay chúng ta cũng kỷ niệm 50 năm Bác viết Di chúc. Bản Di chúc chỉ có 1.000 từ thôi nhưng Bác dặn dò không sót một điều gì trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ lúc bấy giờ, Bác trù tính cả việc xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn trong tương lai, Bác dặn phải “giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Bác còn dặn công việc đầu tiên là công việc với con người. Trong bản Di chúc lịch sử đó, Bác đã kín đáo gửi vào 2 định nghĩa quan trọng. Một là định nghĩa về chủ nghĩa xã hội trong câu cuối của bản Di chúc: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là toàn Đảng, toàn dân đoàn kết một lòng, xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào cách mạng thế giới”. Đó chính là định nghĩa về chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta đưa nguyên văn tinh thần vào trong Cương lĩnh của Đảng, trong văn kiện chính trị của Đảng.
Trong lần sửa Di chúc vào năm 1968, Bác có trù tính là giải phóng miền Nam xong, theo ý Bác “việc đầu tiên phải làm là chỉnh đốn Đảng” và “phải có chủ trương, chính sách thật cụ thể, đúng đắn, tránh rơi vào thiếu sót, bị động và sai lầm để lo cuộc sống cho dân, hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển đất nước”. Bác căn dặn rằng “đây sẽ là một cuộc chiến đấu khổng lồ giữa cái tốt tươi, mới mẻ và những cái xấu xa, hư hỏng, lỗi thời. Phải dựa vào dân, tập hợp dân thành lực lượng, thành phong trào để dân thực hiện”.
46 năm kể từ khi Bác mất, đọc lại bản Di chúc ta mới thấm thía một điều rằng đó chính là định nghĩa của Bác về đổi mới. Bản Di chúc chứa đựng những giá trị rất thiêng liêng và chính thức được xếp vào danh mục bảo vật quốc gia. Bản Di chúc cũng là động lực cho chúng ta trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.
Năm nay chúng ta còn kỷ niệm 60 năm Bác và Trung ương từ núi rừng về Hà Nội sau chiến thắng Điện Biên Phủ; kỷ niệm 70 năm thành lập nước và 85 năm lịch sử Đảng. Bao nhiêu ngày kỷ niệm năm nay càng khiến chúng ta học tập và làm theo Bác, để có sức mạnh tinh thần giúp toàn Đảng, toàn dân ta vượt qua khó khăn, hướng tới phía trước, thực hiện phát triển bền vững.
|
GS.TS Hoàng Chí Bảo. Ảnh: VGP/Phương Liên
|
Học Bác để hành động
GS. TS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh, sở dĩ Đảng ta chủ trương tiếp tục học tập và làm theo Bác bởi thực tế đã cho thấy việc học tập thời gian vừa qua tuy có những kết quả nhất định nhưng cũng không tránh khỏi những nhược điểm và hạn chế. Hạn chế lớn nhất chúng ta phải rút kinh nghiệm là phải khắc phục tính hình thức, tính phô trương, nhiều khi lãng phí thời giờ và tiền của, nó xa lạ với phong cách của Bác là tiết kiệm. Học thế nào cho thực chất, học để hành động chứ không phải học để nâng cao nhận thức mà không hành động. Cần phải học nhất ở phong cách của Bác là nói ít, làm nhiều, chủ yếu là hành động; đã nói là phải làm, nhất quán với nhau; chỉ có như thế thì mới được dân tin. Phải tách rời những nhược điểm đã có: Tách rời giữa học và làm; khắc phục bệnh hình thức phô trương, học Bác một cách thiết thực.
Chưa kể cán bộ, đảng viên, nhân dân thường học Bác mà càng làm lãnh đạo quản lý càng phải học, càng giữ trọng trách lớn của Đảng và Nhà nước càng phải làm tấm gương học tập và làm theo Bác.
Bác giản dị chứ không hề giản đơn
Trả lời câu hỏi: “Từ thực tiễn của những năm tháng học tập Bác như vừa qua, có điều gì cần nhấn mạnh, rút kinh nghiệm?”, GS. TS Hoàng Chí Bảo lưu ý là từ nay trở đi, cuộc vận động phải biến thành nhu cầu, tình cảm, tư tưởng của mỗi một người, của mỗi tổ chức, mỗi cơ quan. Tức là biến việc học tập, làm theo Bác như một nhu cầu văn hóa chứ không còn là cuộc vận động mang tính chất hành chính. Chính vì vậy giờ ta bỏ cụm từ “Cuộc vận động”.
Hai nữa, Bác không chỉ có tấm gương đạo đức, trước hết Bác là một nhà tư tưởng, những tư tưởng của Bác có thể nói là ở tầm chiến lược về cách mạng Việt Nam và cả dự báo, tiên tri về tương lai. Học Bác là học toàn diện các tư tưởng lẫn đạo đức, phương pháp và phong cách. Có lần Đảng ta đã nhấn mạnh, học Bác là học phong cách quần chúng, phong cách dân chủ, phong cách nêu gương, học Bác về đạo đức cách mạng, học Bác về thực hành.
Đời Bác có rất nhiều thực hành tiêu biểu. Một là thực hành lý luận gắn với thực tiễn, chứ không bao giờ lý luận suông cũng như không bao giờ thực tiễn tách rời lý luận. Ta nhớ lời của Bác: “Lý luận mà không áp dụng vào thực tiễn là một lý luận suông vô ích. Thực hành mà không có lý luận soi sáng là một thực hành mù quáng và phiêu lưu”. Bác luôn gắn chặt lý luận và thực tiễn là một. Đó là sự thực hành rất lớn của Bác.
Thứ hai, Bác là một người thực hành dân chủ, dân chủ trong Đảng, dân chủ trong Nhà nước, dân chủ trong ứng xử với nhân dân.
Thứ ba, Bác cũng là một mẫu mực của thực hiện dân vận. Dân vận là thực hành vận động quần chúng làm cách mạng, đem lại lợi quyền cho dân, không bỏ sót, phí phạm một tài năng nào. Bác dặn chúng ta, muốn dân vận tốt phải tránh xa tình trạng bàn giấy, quan liêu, “chỉ tay năm ngón”, mắt nhìn, óc nghĩ, tai nghe, miệng nói, chân đi, tay làm thì dân mới tin.
Thứ tư là thực hành đoàn kết và đại đoàn kết, đây là thực hành ở tầm chiến lược của Bác. Bác là linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Bác tổng kết “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.
Thứ năm là thực hành đạo đức cách mạng xoay quanh 4 chuẩn mực đạo đức: Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư.
Theo GS. TS Hoàng Chí Bảo, năm thực hành đó toát lên toàn bộ sự vĩ đại của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Vì vậy học tập, làm theo Bác là học tư tưởng chứ không chỉ riêng đạo đức và tấm gương đạo đức. Đó là chỗ mà cán bộ, nhất là cán bộ quản lý phải thấm nhuần.
GS. TS Hoàng Chí Bảo cho hay có rất nhiều biện pháp, giải pháp khiến việc học tập, làm theo Bác có chất lượng hơn, có hiệu quả hơn? Mỗi cơ quan, mỗi tổ chức, mỗi người có thể tự suy nghĩ về vấn đề này. Nhưng theo Giáo sư, có một số giải pháp rất quan trọng.
Giải pháp thứ nhất là phải giáo dục về nhận thức khoa học, làm cho từ lãnh đạo quản lý đến đảng viên và quần chúng nhân dân hiểu rõ học Bác lúc này là học cái gì, học để làm gì và học như thế nào. Đó là giáo dục từ trong nhận thức, nhận thức cho hết sự vĩ đại, sự cao quý của Bác. Bác là sự kết hợp của vĩ đại với giản dị.
Thứ hai, học Bác là để làm tròn trách nhiệm được giao hiện nay, học bằng cái tâm, cái đức của chính mình: Động cơ phải trong sáng, hay nói như Bác là phải đặt việc công lên trên hết - “dĩ công vi thượng”. Học Bác là học chân thành, đoàn kết, học Bác là học “trọng dân, trọng pháp"… Phải hiểu đúng Bác thì học Bác mới có ý nghĩa. Học Bác một cách sáng tạo chứ không bắt chước, không giáo điều. Bác giản dị chứ không hề giản đơn.
Có nhiều người nhầm, đáng lẽ học Bác để làm tốt công việc được giao thì lại học Bác ở cách ăn vận giản dị quần nâu, áo vải… Tầm vóc của Bác là lãnh tụ, chúng ta chỉ là người bình thường, không thể bắt chước Bác hết ở ngoại hình bên ngoài được. Chỉ có một Hồ Chí Minh nhưng có hàng triệu triệu người học tập được đạo đức của Hồ Chí Minh.
Như vậy, giải pháp thứ nhất là tiếp tục giáo dục nhận thức khoa học, nhất là đối với thế hệ trẻ, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ quản lý trong Đảng. Đảng ta hiện có 4 triệu đảng viên. Nếu 4 triệu đảng viên này học tập và làm theo tấm gương Bác thì đã có một sức mạnh ghê gớm, đất nước sẽ phát triển tốt đẹp; nhân dân sẽ gắn bó với Đảng, chế độ sẽ bền vững.
Tiếp đó, phải có quy định rõ ràng về chế độ trách nhiệm, trước hết là của người đứng đầu các cơ quan đoàn thể, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy… phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, chịu trách nhiệm về tất cả những việc lớn-nhỏ xảy ra trong địa phương, trong phạm vi công việc của mình. Cái yếu của chúng ta là đùn đẩy trách nhiệm, chính vì thiếu vắng trách nhiệm mới “đẻ” ra quan liêu, tham nhũng.
Học Bác một cách thiết thực hiện nay là: Tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung sức để chống bằng được quan liêu trong thể chế Nhà nước và chống bằng được “quốc nạn” tham nhũng. Chỉ có thể chống được tham nhũng nếu như minh bạch, thiếu minh bạch chính là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng. Muốn chống tham nhũng phải tăng cường kiểm soát của nhân dân, căn cứ vào tiếng nói của dân và sức mạnh của thông tin đại chúng để kiểm soát hành vi cán bộ và dùng luật pháp để nghiêm trị. Nói như Bác, trừng trị tất cả những kẻ bất liêm, bất kể họ là ai. Nếu bây giờ nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân khắc phục được tham nhũng, giảm thiểu được tham nhũng tiến tới đẩy lùi được tham nhũng chính là cách học tập Bác tốt nhất. Tham nhũng chính là làm hại dân, tổn hại đất nước. Chống được tham nhũng là sẽ phục vụ được nhân dân.
Cuối cùng, làm thế nào để chúng ta xây dựng được nền tảng văn hóa, lấy tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh làm cốt lõi. Chúng ta thực hành Nghị quyết về văn hóa của Đảng thông qua việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Bác Hồ. Văn hóa đạo đức trong ứng xử với nhau, văn hóa đạo đức trong Đảng, nhất là vấn đề dân chủ trong Nhà nước pháp quyền. Văn hóa trong hệ thống chính trị, trong các đoàn thể quần chúng và làm sao ở đâu, lúc nào chúng ta cũng tôn trọng tiếng nói của người dân, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân và làm mọi việc để đem lại lợi ích cho nhân dân. Được lòng dân lúc này sẽ củng cố được sự bền vững của Đảng, của chế độ. Đó cũng là mong muốn lớn nhất của Bác. Bác chỉ mong cho Đảng đoàn kết, mong cho Nhà nước đúng là “của dân, do dân, vì dân”. Bác chỉ mong toàn dân tộc đoàn kết một lòng để xây dựng một nước Việt Nam hiện đại.
Theo Baodien tu.chinhphu.vn