Hồ Chí Minh đã từng khẳng định “Muốn thức tỉnh một dân tộc trước hết phải thức tỉnh thanh niên”. Mỗi một bài viết, một lá thư, một tác phẩm đều gửi gắm các quan điểm, tư tưởng của Người dành cho “thanh niên Việt Nam”, “thế hệ cách mạng đời sau” những kì vọng, tình cảm nhằm khơi dậy các giá trị truyền thống dân tộc không chỉ đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp mà còn cho việc xây dựng, kiến thiết nước nhà sau khi giành được độc lập. Trong công cuộc đổi mới, nguồn nhân lực thanh niên giữ một vị trí rất quan trọng, do đó việc giáo dục giá trị truyền thống dân tộc cho lực lượng thanh niên Việt Nam theo tấm gương tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh là vấn đề khoa học, thiết thực cho việc lưu giữ, bảo tồn bản sắc văn hoá Việt Nam trong bối cảnh hội nhập đầy những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức.
1. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - sự hội tụ và toả sáng những giá trị truyền thống dân tộc Việt Nam
Theo Từ điển Tiếng Việt, truyền thống là “những thói quen hình thành đã lâu đời trong lối sống và nếp nghĩ, được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác”[2]“. Nói cách khác, đó là những tục lệ, trật tự, quy tắc ứng xử, phong tục tập quán đã đạt tới giá trị chuẩn mực trên các lĩnh vực của lối sống được lưu giữ, bảo tồn trong suốt quá trình phát triển của dân tộc. Lịch sử dân tộc Việt Nam từ hàng ngàn năm nay là lịch sử của những nỗ lực không mệt mỏi, sự hi sinh của bao thế hệ để đấu tranh cho sự tồn tại và phát triển của dân tộc. Trong suốt tiến trình dựng nước và giữ nước đó, những giá trị truyền thống tốt đẹp nhất của dân tộc đã được kết tinh lại, trở thành hằng số bất biến theo thời gian, trở thành chuẩn mực, thước đo phẩm giá của mỗi con người Việt Nam nói riêng, đất nước- dân tộc Việt Nam nói chung trong mọi hoàn cảnh. Đó chính là truyền thống yêu nước, cần cù, sáng tạo trong lao động; là tinh thần hiếu học, ham học, khổ công chiếm lĩnh tinh hoa văn hoá; là truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, tương thân, tương ái; là tư tưởng nhân đạo, yêu chuộng hoà bình, phản đối chiến tranh phi nghĩa…
Tất cả các giá trị, cốt cách cao đẹp đó của dân tộc Việt Nam, tiếp tục được hội tụ trong con người Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh, và đến lượt Người lại làm cho các hệ giá trị đó toả sáng cao đẹp hơn. Không một quan điểm nghiên cứu nào ở trong và ngoài nước có thể phủ nhận một sự thật hiển nhiên rằng, Hồ Chí Minh và tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kết tinh hài hoá những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam với tinh hoa văn hoá nhân loại, bao gồm cả văn hoá phương Đông và phương Tây, tạo nên một Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - như nhận định của đồng chí Phạm Văn Đồng “Chủ tịch Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, sáng chói mà không gây choáng ngợp”[3].
Trong các giá trị truyền thống dân tộc Việt Nam, yêu nước là giá trị cao nhất, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử Việt Nam. Đến thời đại Hồ Chí Minh, đặt trong bối cảnh cuộc đấu tranh chống thực dân, đế quốc, truyền thống yêu nước được Người phát triển thành quan điểm về “chủ nghĩa yêu nước chân chính”, coi đó là hạt nhân của chủ nghĩa dân tộc chân chính, là động lực to lớn của cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa. Chủ nghĩa yêu nước chân chính là sẵn sàng đấu tranh vì quyền lợi, lợi ích chân chính của cả dân tộc, đấu tranh hết mình vì lợi ích của dân tộc mình nhưng không chà đạp lợi ích dân tộc khác. Kế thừa giá trị của dân tộc và vận dụng trong bối cảnh mới, Hồ Chí Minh coi yêu nước, “trung với nước” trở thành một trong những chuẩn mực hàng đầu trong việc xác định tư cách của người cách mạng. Người từng nhấn mạnh “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, nó lướt qua mọi khó khăn, nguy hiểm; nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước”[4]. Nói cách khác, trong nhất quán tư tưởng Hồ Chí Minh, “Yêu nước là nấc thang giá trị cao nhất của dân tộc Việt Nam”[5], cần phải tiếp tục giáo dục chủ nghĩa yêu nước nói riêng, giá trị truyền thống dân tộc nói chung cho các thế hệ cách mạng đời sau, trong đó có lực lượng thanh niên.
2. Từ Bản án chế độ thực dân Pháp đến Di chúc - Sự kết tinh những kì vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thanh niên Việt Nam đối với bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống dân tộc
Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò cách mạng của lực lượng thanh niên. “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà... Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cho cái tương lai đó”; “Thanh niên ta rất hăng hái. Ta biết tập hợp lòng hăng hái đó lại và dìu dắt đúng đắn thì thanh niên sẽ thành một lực lượng rất mạnh mẽ”[6].
Vấn đề thanh niên được Hồ Chí Minh quan tâm từ rất sớm. Trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp (xuất bản năm 1925), Nguyễn Ái Quốc đã nêu ra tình cảnh thống khổ của nhân dân lao động dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân nhiều nơi trên thế giới, tố cáo những tội ác man rợ của thực dân Pháp đối với các thuộc địa, trong đó có Việt Nam và Đông Dương. Đồng thời trên cơ sở đó, Người muốn thức tỉnh chủ nghĩa dân tộc trong mỗi người dân thuộc địa, trong đó có thức tỉnh thanh niên. Do đó, khép lại tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã viết thêm phần Phụ lục « Gửi thanh niên việt Nam » với mục đích nhắc nhờ, song cũng là sự kì vọng vào vai trò của thanh niên Việt Nam đối với vận mệnh dân tộc. Không dừng lại ở việc chỉ ra nỗi đau khi làm tay sai cho bọn cướp nước, Nguyễn Ái Quốc cũng đã cho thấy sự thua kém của thanh niên Việt Nam so với các nước khác mà đặc biệt là thanh niên Trung Quốc. Người chỉ ra rằng thanh niên Trung Quốc đã vượt qua khó khăn, liên kết với nhau để xây dựng đất nước. Từ đó, Người chỉ ra rằng, tại sao Đông Dương có mọi điều kiện để phát triển như bất kỳ nước nào mà lại chịu kiếp nô lệ, lại an phận làm nô lệ. Nguyễn Ái Quốc kết luận rằng: “chúng ta thiếu tổ chức và thiếu người tổ chức”, nhưng quan trọng hơn đó là tấm lòng của người thanh niên với dân tộc, với cách mạng, với vận mệnh của đất nước, phải chăng họ đang hững hờ, đang làm ngơ trước vận mệnh đó, vì thế mà họ “không làm gì cả. Những thanh niên không có phương tiện thì lại chìm ngập trong sự biếng nhác ; còn những kẻ đã xuất dương thì chỉ nghĩ đến việc thoả mãn tính tò mò của tuổi trẻ mà thôi»[7]. Trên cơ sở đó, Nguyễn Ái Quốc kêu gọi thanh niên hãy thức tỉnh « Hỡi Đông Dương đáng thương hại ! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh »[8]. Chính vì nhận thấy tinh thần yêu nước và quyết tâm đánh đuổi thực dân Pháp, đồng thời cũng nhận thấy những yếu kém, khuyết điểm của thanh niên, Nguyễn Ái Quốc đã nhanh chóng trở về Quảng Châu (Trung Quốc), thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, giáo dục, bồi dưỡng họ trở thành lực lượng nòng cốt cho cách mạng Việt Nam.
Cả cuộc đời hoạt động cách mạng, dù trong hoàn cảnh bận rộn nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm tới lực lượng thanh niên thông qua những lá thư, những bài phát biểu căn dặn của Người. Ngay cả trong Di chúc cuối cuộc đời, Người vẫn thể hiện tâm tư, tình cảm đối công tác bồi dương, phát triển thanh niên. Khi nói về Đoàn viên và thanh niên, Người đã viết: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ, Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.”[9], và trong sự nghiệp đó không thể thiếu công tác bồi dưỡng giá trị truyền thống dân tộc cho thanh niên.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục, bồi dưỡng giá trị truyền thống dân tộc cho thế hệ thanh niên chính là vừa tiếp tục phát huy cao nhất truyền thống trong quá khứ, đồng thời bổ sung thêm những giá trị mới, bao gồm các quan điểm: yêu nước, đồng thời yêu chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; giáo dục chủ nghĩa anh hùng trong chiến đấu xưa, phát triển thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu, lao động sáng tạ, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc; giáo dục chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn mác xít; giáo dục tư tưởng coi lao động là vinh quang, lao động có kỷ luật và có năng suất cao…Trong đó chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa yêu nước chân chính gắn liền với chủ nghĩa quốc tế vô sản cho thanh niên là nội dung trọng tâm trong toàn bộ hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục giá trị truyền thống dân tộc.
Đối với giáo dục giá trị truyền thống dân tộc cho thanh niên, theo Hồ Chí Minh cần tập trung vào các nội dung sau đây:
Một là, giáo dục lòng yêu nước và ý chí cứu nước, giữ nước. Đối với thanh niên, yêu nước gắn liền với bản lĩnh, ý chí. Đó là vấn đề quan trọng trong việc xây dựng lập trường, quan điểm cách mạng, có ý chí mới có động lực thực hiện lý tưởng. Trong buối nói chuyện với hơn 6000 sinh viên chào mừng Tổng thống Xu-các-nô (1959), Hồ Chí Minh khuyên thanh niên, sinh viên: “Không phải cứ ngồi khoanh tay sẽ là ông chủ, bà chủ, mà: 1. Phải đoàn kết chặt chẽ. 2. Cố gắng học tập cho tốt. 3. Phải lao động cho tốt. 4. Vượt mọi khó khăn để chiến thắng, để hưởng thụ tất cả những khoa học, những hiểu biết của thời đại…Muốn như thế, thì phải thế nào? Phải chiến thắng những tật xấu cá nhân chủ nghĩa.Muốn xây dựng xã hội chủ nghĩa phải có tinh thần, muốn có tinh thần xã hội chủ nghĩa phải đánh bại chủ nghĩa cá nhân”[10].
Hai là, giáo dục lý tưởng sống, thức tỉnh lý tưởng của thanh niên trước vận mệnh của dân tộc. Cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ hướng theo lý tưởng duy nhất: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[11]. Theo Hồ Chí Minh, với thanh niên phải giáo dục họ, luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao phó trách nhiệm.
Ba là, giáo dục đạo đức, lối sống chuẩn mực cho thanh niên. Cần, kiệm, liêm, chính là những đức tính có sự quan hệ chặt chẽ với nhau, giúp bản thân mỗi người nói chung, với mỗi thanh niên nói riêng phát triển bền vững, mang lại lợi ích cho bản thân, gia đình và công đồng. Đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, những đức tính cần, kiệm, liêm, chính là thước đo sự giàu có về vật chất, vững mạnh về tinh thần và thể hiện sự văn minh tiến bộ. Cần, kiệm, liêm và chính là nền tảng quan trọng để giúp thanh niên xây dựng phẩm chất và năng lực, đóng góp vào phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bốn là, giáo dục phong cách, tác phong làm việc khoa học, hiệu quả cho thanh niên. Khi đề cập tới vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những chỉ dẫn thiết thực, cụ thể mà gần gũi đối với thanh niên: Từ việc lớn tới việc nhỏ luôn luôn phải có chương trình, có kế hoạch, có tổ chức, có tính toán cẩn thận đến mọi tình huống có thể xảy ra. Khi lên kế hoạch là việc gì cũng phải sát thực tế, phải vừa sức mình. Trong Thư Bác gửi thanh niên (8/1947), Người căn dặn “việc gì cũng cần phải thiết thực: nói được, làm được. Việc gì cũng phải đi từ chỗ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần dần đến khó, từ thấp dần dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hành hẳn hoi, hơn là trăm chương trình to tát mà không làm được”[12].
3. Một số định hướng giải pháp giáo dục giá trị truyền thống dân tộc cho thanh niên Việt Nam trong bối cảnh đổi mới, hội nhập hiện nay
Giáo dục giá trị truyền thống dân tộc cho thanh niên hiện nay theo tấm gương tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh là công tác quan trọng trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo thanh niên Việt Nam- đội dự bị hùng hậu của cách mạng Việt Nam. Đã gần năm mươi năm kể từ khi Người ra đi, để lại bản Di chúc kì vọng vào sự đóng góp hơn nữa của thế hệ thanh niên, những tư tưởng của Người về vai trò, về công tác giáo dục thanh niên Việt Nam vẫn còn nguyên ý nghĩa sâu sắc, định hướng cho những chỉ dẫn của Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định chiến lược phát triển thanh niên toàn diện đức và tài, hồng và chuyên, năng lực và phẩm chất…nhằm xứng đáng là thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh trong thời đại mới.
Thực hiện lời dạy của Người, đặt trong bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều đổi mới, để đảm bảo vai trò tiên phong xung kích của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020 với các mục tiêu cụ thể về: Giáo dục thanh niên; Nâng cao trình độ văn hóa, ngoại ngữ, chuyên môn, tay nghề và ý thức nghề nghiệp; Đào tạo nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao; Đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và trọng dụng tài năng trẻ, hình thành đội ngũ cán bộ trẻ giỏi; Giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, từng bước giải quyết chỗ ở cho thanh niên khu công nghiệp và trường học; Nâng cao sức khỏe cho thanh niên, khuyến khích thanh niên tự học, tự đào tạo, có kỹ năng sống.
Về phương pháp giáo dục thanh niên, có nhiều phương pháp để giáo dục giá trị truyền thống dân tộc cho thanh niên như giảng dạy, toạ đàm trao đổi, phát động phong trào thi đua, tổ chức các cuộc thi, các hoạt động sinh hoạt văn hoá, nghệ thuật, phong trào nêu gương người tốt, việc tốt… song cần sử dụng các hình thức phù hợp với thế hệ trẻ, đặc biệt ở các phong trào thi đua yêu nước, học tập, sáng tạo lập nghiệp, tuổi trẻ vì cộng đồng. Đối với vấn đề giáo dục giá trị truyền thống dân tộc, phương pháp tự giáo dục và phương pháp nêu gương – theo quan điểm Hồ Chí Minh – là phương pháp có hiệu quả cao đối với thanh niên, do thanh niên là lực lượng mà đa số có khát vọng, mong muốn được tự khẳng định mình một cách mạnh mẽ và những hình thức giáo dục trực quan, sinh động luôn có tác dụng nhanh trong việc “chạm” vào trái tim, tình cảm, lý tưởng của thanh niên. Trong các phương pháp đó lại có nhiều hình thức phong phú, đa dang. Tuy nhiên, dù sử dụng hình thức nào thì vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản sau đây:
Thứ nhất, phải xuất phát từ đặc điểm cụ thể về tâm sinh lý lứa tuổi, ngành nghề của lực lượng thanh niên. Họ là lực lượng vừa thích cái mới, tích cực ủng hộ cái mới nhưng lại chưa trưởng thành đầy đủ về tâm lý xã hội nên năng động nhưng dễ sai lệch. Trong Thư Bác gửi thanh niên (4/1951), Hồ Chí Minh có chỉ rõ “ưu điểm của thanh niên ta là hăng hái, giàu tinh thần xung phong. Khuyết điểm là ham chuộng hình thức, thiếu thực tế, bệnh cá nhân, bệnh anh hùng. Rất mong toàn thể thanh niên ta ra sức phát triển những ưu điểm và tẩy sạch những khuyết điểm ấy. Huy hiệu của thanh niên ta là "tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên". Ý nghĩa của nó là: Phải xung phong làm gương mẫu trong công tác, trong học hỏi, trong tiến bộ, trong đạo đức cách mạng. Thanh niên phải thành một lực lượng to lớn và vững chắc trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Đồng thời phải vui vẻ, hoạt bát”[13]. Muốn giáo dục các giá trị truyền thống trong bối cảnh xung đột với cái hiện đại du nhập vào, cần phải có sự định hướng thông tin, tuyên truyền, giúp sinh viên nhận thấy cái lành mạnh, cái cần lưu giữ, bảo tồn trong các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Thứ hai, các phương pháp, hình thức giáo dục giá trị truyền thống phải vừa đảm bảo tính sâu sắc, vừa đảm bảo tính trẻ trung, có tình có lý. Các bài giảng lý thuyết luôn phải kết hợp với các hoạt động sinh hoạt “hướng về cội nguồn”, sinh hoạt âm nhạc truyền thống theo chủ đề, phát động các hoạt động thi đua lao động, các sáng kiến kinh nghiệm, hoạt động văn hoá, thể thao…nhân dịp kỉ niệm các sự kiện trọng đại của dân tộc.
Thứ ba, tích cực vận dụng phương pháp giáo dục nêu gương điển hình như cách Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói và làm trong quá trình hoạt động cách mạng. Thanh niên có đặc điểm thích noi gương, bắt chước một mẫu hình nên phương pháp giáo dục điển hình thông qua những tấm gương trí tuệ, tài đức song phong cách gần gũi, giản dị sẽ giúp định hướng giá trị, cốt cách, nhân phẩm cho thanh niên, thậm chí còn có tác dụng to lớn đối với những thanh niên gặp phải khó khăn, trở ngại về đời sống tinh thần, tình cảm. Bởi thanh niên Việt Nam vẫn ảnh hưởng lớn bởi văn hoá phương Đông, mà theo Hồ Chí Minh “nói chung các dân tộc phương Đông giàu tình cảm vì đối với họ, một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[14].
Như vậy, có thể nói giáo dục giá trị truyền thống dân tộc cho thanh niên Việt Nam trong bối cảnh đất nước đổi mới, hội nhập với nhiều thời cơ, thách thức đan xen là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn xã hội trong việc bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau như di nguyện Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn trong Di chúc của Người. Từ tư tưởng “muốn thức tỉnh một dân tộc trước hết phải thức tỉnh thanh niên” của Hồ Chí Minh đã phát triển thành tư tưởng muốn xây dựng, bảo tồn các giá trị văn hoá dân tộc trong giai đoạn hiện nay thì phải trông cậy vào sự thành hay bại của công tác giáo dục giá trị truyền thống cho lực lượng tinh hoa của dất nước, định hướng họ nhận thức đúng về sứ mênh của ho trong sự nghiệp xây dựng một nền văn hoá tiên tiến, nhưng phải đậm đà bản sắc dân tộc, phẩm giá, cốt cách Việt Nam. Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thanh niên có ý nghĩa quan trọng trong công tác giáo dục và đào tạo thanh niên đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Đất nước Việt Nam đã và đang có những chuyển biến to lớn sau chặng đường hơn 30 năm đổi mới. Trong quá trình đó có sự đóng góp không nhỏ của thế hệ thanh niên, nhằm hiện thực hoá tư tưởng và di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giáo dục thanh niên nói chung, giáo dục giá trị truyền thống yêu nước, đoàn kết, nhân nghĩa, hiếu học, cần cù, sáng tạo…cho thanh niên nói riêng theo tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục trở thành những mục tiêu hàng đầu trong chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam 30 năm đầu thế kỷ XX.
PGS. TS Nguyễn Thị Thanh Tùng[1]
Khoa LLCT - GDCD
[1] Bộ môn LSĐ- TTHCM, Khoa LLCT, Trường ĐHSP Hà Nội, 136 Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, email: thanhtungsphn@gmail.com. Số điện thoại: 0984910334.
[2] Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, năm 2005, tr.1053.
[3] Phạm Văn Đồng (1990), Hồ Chí Minh một con người, một dân tộc, một hình ảnh, một sự nghiệp, NXB Sự thật, Hà Nội, tr.62-63
[4] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 7 , NXB CTQG, Hà Nội, tr.38
[5] Ban tư tưởng, văn hóa trung ương, Tài liệu học tập Tư tưởng Hồ Chí Minh (dùng cho cán bộ, đảng viên cơ sở), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.118.
[6] Hồ Chí Minh, Về giáo dục thanh niên, Hà Nội, Nxb Thanh niên, 1980, tr.80
[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, NXB CTQG, Hà Nội, năm 2011, tr.144.
[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, NXB CTQG, Hà Nội, năm 2011, tr.144
[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, NXB CTQG, Hà Nội, năm 2011, tr.246-247.
[10] Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, tập V, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1960, tr 237-238.
[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, NXB CTQG, Hà Nội, năm 2011, tr.161.
[12] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, NXB CTQG, Hà Nội, năm 2011, tr.216
[13] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, NXB CTQG, Hà Nội, năm 2011, tr.66.
[14] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, NXB CTQG, Hà Nội, năm 2011, tr.263.