Chương trình được “set-up” bởi đội ngũ cán bộ Ban Nữ công dày dặn kinh nghiệm, lại rất chỉn chu, tâm huyết nên chúng tôi hoàn toàn yên tâm. Và quả thật, những trải nghiệm có được trong chuyến đi tuy ngắn ngủi nhưng đủ khiến cho trái tim chúng tôi bồi hồi, xao xuyến mãi, đặc biệt là những cảm xúc khi đến thăm vị lãnh tụ kính yêu trong một sáng tháng năm trời trong, gió nhẹ...
Chúng tôi đến quảng trường Ba Đình lúc 8h sáng. Đã có rất nhiều đoàn khách từ mọi miền Tổ quốc chờ vào lăng viếng Người. Có những tà áo dài tung bay trong gió sớm, có những đơn vị quân đội quân phục nghiêm trang, cũng có những em bé dân tộc ít người rạng rỡ trong trang phục truyền thống… tất cả cùng tụ họp về đây, mong chờ khoảnh khắc thiêng liêng được chầm chậm đi quanh linh cữu, ngắm hình dáng Người cha già kính yêu của dân tộc đang yên giấc ngàn thu.
Vẫn Quảng trường Ba Đình lộng gió, vẫn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời, vẫn đôi hàng tre ngà trầm mặc, vẫn những dáng hình trang nghiêm trong quân phục trắng ngày ngày canh giấc ngủ cho Người, nhưng sao hôm nay lòng tôi trào dâng những rung cảm thật lạ. Giây phút đứng trước lăng, nghe giọng Bác thân thương trầm ấm vang lên: “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất…”, tim tôi bồi hồi như đứa con xa lâu ngày nghe tiếng mẹ. Rồi khi đồng chí Chủ tịch Công đoàn Trường thay mặt đoàn báo công với Bác, trong lòng tôi cũng thầm thì 2 tiếng: “Bác ơi”…
Cả đoàn chầm chậm vào lăng viếng Bác, dường như ai cũng lưu luyến bước chân để muốn ngắm Người lâu hơn chút nữa. Dưới ánh đèn vàng, Người nằm đó như đang mỉm cười. Đất nước giờ đã độc lập, nhân dân được sống trong hòa bình, chính trị và kinh tế ổn định, dịch Covid 19 cũng đã được kiểm soát trên khắp 3 miền, hẳn Người vẫn ngày ngày dõi theo và đã tạm yên lòng? Hay Người vẫn mãi suy tư trăn trở lo cho nước cho dân như cả cuộc đời Người đã từng như thế?
Theo chân chị thuyết minh viên, đoàn chúng tôi lần lượt tham quan nhà số 41 nơi Bác làm việc từ năm 1954 đến năm 1958, nhà thờ Bác Hồ, nhà sàn nơi Người sống và làm việc trong 11 năm cuối đời - từ năm 1958 đến năm 1969. Nơi nào cũng còn lưu lại những minh chứng về chiều sâu tư tưởng, phong cách, đạo đức, lối sống và sự hy sinh của Người cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đặc biệt, chúng tôi được thăm ngôi nhà H67. Đây là ngôi nhà bê tông cốt thép kiên cố được các đồng chí trong Bộ chính trị gấp rút hoàn thành năm 1967 trong 2 tháng Bác đi công tác, vì khi Người ở nhà, Người nhất định không cho xây. Người bảo tiền đó để dành xây thêm hầm trú ẩn cho chiến sỹ và nhân dân, mình Bác an toàn sao đặng. Khi xây rồi, Người cũng không ở, chỉ dùng làm nơi làm việc với Bộ Chính trị. Chỉ đến những ngày cuối cùng khi sức khỏe đã yếu, Bác mới chịu xuống nhà 67 để các y bác sĩ tiện chăm sóc. Tôi đã ngấn lệ khi nghe chị thuyết minh viên kể về nguyện vọng được uống 1 ly nước dừa từ 2 cây dừa trước nhà sàn mà tự tay Người chăm sóc. Nước dừa khó tiêu, không tốt cho người bệnh nên Hội đồng y khoa không tán thành, về sau đồng chí Vũ Kỳ thấu hiểu nỗi lòng của Bác nên đã lấy 2 trái trên 2 dừa, pha thành 1 ly nhỏ cho Bác uống, khuôn mặt Bác lộ rõ sự mãn nguyện… Câu chuyện nhỏ nhưng cho chúng ta thấy tình thương bao la của Bác dành cho miền Nam ruột thịt. Những giây phút cuối đời, Người vẫn đau đáu một nỗi niềm nước nhà còn chia cắt, đồng bào miền Nam còn chiến tranh. Người từng nói có lẽ Bác là người “đi tới nơi nhưng chưa về tới chốn”, vì chưa được một lần về thăm lại miền Nam… Cuốn lịch trong ngôi nhà 67 mãi dừng lại ở ngày 02 tháng 9 năm 1969, chiếc đồng hồ trên bàn mãi dừng lại ở thời điểm 9 giờ 47 phút như nhắc nhớ chúng ta về sự ra đi của vị cha già kính yêu - người đã hy sinh cả cuộc đời, cả hạnh phúc riêng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà…
Nghĩ về Bác, lòng ta trong sáng hơn… Người vẫn ở đây, trong tiếng chim hót thênh thang trên cây vú sữa sau nhà sàn, trong ánh nắng vàng nhảy nhót giữa đường xoài hoa trắng, trong tiếng gió vi vu giữa quảng trường Ba Đình thắm đỏ cờ hoa… Và trong trái tim của triệu triệu đồng bào máu đỏ da vàng, Bác vẫn sống mãi cùng non sông, đất nước.
Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch chẳng vàng son
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn…
Thăm cõi Bác xưa, trong lòng tôi ngân nga những vần thơ trong bài thơ của nhà thơ Tố Hữu. Mỗi lần thăm Bác, mỗi lần nghĩ về Bác, nghe những mẩu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của Bác, tôi lại thêm một lần cảm động và thấy tâm hồn như được gột rửa, thanh sạch hơn, nồng ấm hơn, nhiều dũng khí hơn để bước tiếp thênh thang hơn trên con đường mình đã chọn.
Hà Nội, một sáng tháng Năm
Thùy Linh - Khoa Việt Nam học