1. Công đoàn trường ĐHSP Hà Nội trong thời kỳ 1951- 1965
1.1. Công đoàn trường ĐHSP Hà Nội trong những năm đầu thành lập (1951 - 1955)
Ngay từ những năm đầu thành lập (giai đoạn 1951-1955), dù số lượng cán bộ công đoàn viên còn ít, lại trong điều kiện chiến tranh, song hoạt động của Công đoàn Trường đã diễn ra hết sức sôi nổi, với nhiệm vụ trọng tâm là tập hợp, vận động cán bộ giáo viên của trường thực hiện chương trình công tác 4 điểm của Công đoàn Giáo dục Việt Nam:
- Thúc đẩy đoàn viên thực hiện nhiệm vụ chuyên môn;
- Xây dựng tổ chức công đoàn lớn mạnh, đảm bảo thực hiện cải cách giáo dục;
- Nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đoàn viên công đoàn;
- Đoàn kết lao động trí óc và lao động chân tay đấu tranh giải phóng dân tộc.
Hoạt động của Công đoàn Trường trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đã góp phần không nhỏ trong việc tập hợp, động viên các công đoàn viên của trường vượt mọi khó khăn, nâng cao đời sống vật chất tinh thần đồng thời nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao phó.
1.2. Công đoàn trường ĐHSP Hà Nội trong giai đoạn 1956-1965
Trong giai đoạn này, Công đoàn trường đã đề ra những biện pháp hoạt động phù hợp với thực tiễn cách mạng của đất nước và Nhà trường:
- Đẩy mạnh công tác giáo dục tư tưởng XHCN trong cán bộ, đoàn viên.
- Vận động công đoàn viên nâng cao trình độ chuyên môn, xây dựng các tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa.
- Phát động phong trào tăng gia sản xuất với khẩu hiệu: "Không bỏ một tấc đất hoang, biến sỏi đá thành rau màu"...qua đó góp phần cải thiện đời sống của cán bộ công nhân viên và sinh viên trong toàn trường.
Công đoàn trường đã tập hợp, động viên được đông đảo đoàn viên, cán bộ giảng dạy, cán bộ công nhân viên nhà trường hăng hái lao động, khắc phục khó khăn để hoàn thành công tác, qua đó nhận thức về chức năng, vị trí, vai trò của Công đoàn đối với mọi người ngày một rõ hơn, hoạt động của Công đoàn ngày một cụ thể, thiết thực hơn. Công đoàn trường ĐHSP Hà Nội được đánh giá là một trong những công đoàn lớn mạnh trong hệ thống công đoàn các trường Đại học ở miền Bắc trong thời kỳ này.
2. Công đoàn trường ĐHSP Hà Nội thời kỳ chống Mĩ cứu nước (1965 - 1975)
2.1. Công đoàn trường ĐHSP Hà Nội trong giai đoạn 1965 - 1967
Tháng 2/1965, Mĩ ồ ạt đưa quân vào miền Nam đồng thời đánh phá miền Bắc bằng không quân, hải quân ngày càng ác liệt. Trong giai đoạn này, Công đoàn trường đã đề ra những biện pháp hoạt động thích hợp trước tình hình mới:
- Động viên cán bộ, đoàn viên nêu cao tinh thần quyết thắng giặc Mĩ xâm lược.
- Đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai tốt”, giữ vững nề nếp dạy và học, nề nếp quản lý nhà trường.
- Làm tốt công tác sơ tán các đơn vị khoa, phòng đến 13 địa điểm thuộc các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Tây và Hưng Yên.
- Chăm lo chu đáo tới đời sống vật chất và tinh thần của CBCNV và sinh viên ở nơi sơ tán trường lớp, giúp đỡ các gia đình có người thân đi chiến trường miền Nam.
2.2. Công đoàn trường ĐHSP Hà Nội trong giai đoạn 1967 - 1975
Để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giáo dục và đào tạo trong hoàn cảnh chiến tranh, ngày 14/8/1967, Hội đồng Chính phủ đã ra quyết định số 128/CP, chia trường ĐHSP Hà Nội thành ba trường: Trường ĐHSP Hà Nội I, trường ĐHSP Hà Nội II và trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Cũng trên cơ sở đó, Công đoàn trường ĐHSP Hà Nội được tách ra thành ba Công đoàn cơ sở.
Trong giai đoạn này, tổ chức Công đoàn luôn bám sát các Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ trường, các chỉ thị, nghị quyết của Liên hiệp Công đoàn Hà Nội, của Công đoàn Giáo dục Việt Nam và đề ra phương hướng biện pháp hoạt động trên 4 mặt sau đây:
- Thực hiện tốt công tác giáo dục tư tưởng chính trị, xây dựng niềm tin cho đoàn viên công đoàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, nêu cao tinh thần dũng cảm, vượt khó để hoàn thành mọi nhiệm vụ xây dựng khối đoàn kết bền vững.
- Nâng cao trình độ chuyên môn, bồi dưỡng văn hoá nghiệp vụ, khoa học kỹ thuật cho đoàn viên, hăng hái thi đua “Dạy tốt, phục vụ tốt”, xây dựng các điển hình tiên tiến, phấn đấu trở thành giáo viên giỏi, đoàn viên tốt.
- Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên, đảm bảo an toàn ở nơi sơ tán, tham gia sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở mọi nơi, mọi lúc.
- Tập trung xây dựng Tổ Công đoàn và Công đoàn bộ phận ngày càng lớn mạnh, chú ý bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công đoàn có đủ năng lực, phẩm chất hoạt động quần chúng trong điều kiện sơ tán và chiến tranh ác liệt, giới thiệu với Đảng những đoàn viên ưu tú của công đoàn.
Trong hoàn cảnh chiến tranh, Công đoàn Trường đã có nhiều phương thức hoạt động linh hoạt, sáng tạo, sôi nổi được toàn thể đoàn viên công đoàn hưởng ứng và tham gia bằng cả tâm huyết, sức lực và tài năng của mình và đã đạt được những thành tích đáng kể trên các lĩnh vực hoạt động công đoàn, góp phần tích cực vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
3. Công đoàn trường ĐHSP Hà Nội thời kỳ 1975 - 1985
3.1. Công đoàn trường ĐHSP Hà Nội trong giai đoạn 1975 -1981
Cuối năm 1975, theo quyết định số 872/QĐ của Bộ Giáo dục, Trường ĐHSP Hà Nội I (gồm các khoa khoa học xã hội) và Trường ĐHSP Hà Nội II (gồm các khoa khoa học tự nhiên) được sáp nhập thành trường ĐHSP Hà Nội I.
Trong giai đoạn này, Công đoàn Trường đã đẩy mạnh các hoạt động sau:
- Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phát huy quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, đồng thời tích cực tham gia tổ chức đời sống, xây dựng môi trường sư phạm.
- Đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng tập thể xã hội chủ nghĩa
- Phát triển phong trào phát huy sáng kiến kinh nghiệm
- Làm tốt công tác văn hoá, thể thao
- Đẩy mạnh phong trào "Phụ nữ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
- Tích cực xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, tham gia xây dựng Đảng
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ trường, Công đoàn đã từng bước khắc phục những khó khăn do điều kiện chủ quan và khách quan đưa đến để đảm đương vai trò của một tổ chức đoàn thể quần chúng có vị trí và uy tín trong cán bộ, công nhân viên.
3.2. Công đoàn trường ĐHSP Hà Nội trong giai đoạn 1981 - 1985
Trong giai đoạn 1981 - 1985, Công đoàn trường ĐHSP Hà Nội đã triển khai các hoạt động toàn diện trên tất cả các mặt công tác:
- Phát huy truyền thống cách mạng của nhà giáo Việt Nam, phát huy tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác, tự chủ của cán bộ, công đoàn viên, động viên mọi người nỗ lực hăng hái thi đua yêu nước, có nhiều hành động thiết thực góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
- Phát động phong trào thi đua “Hai tốt theo gương các điển hình tiên tiến” tới toàn thể cán bộ, đoàn viên, tích cực tham gia vào nhiệm vụ cải cách giáo dục.
- Thường xuyên quan tâm, chăm lo đời sống cho cán bộ, công đoàn viên, tổ chức cho đoàn viên tham gia công tác nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất phục vụ đời sống giúp giải quyết những khó khăn trong cuộc sống gia đình của đoàn viên...
Trên nền tảng những thành tích đã đạt được, những bài học kinh nghiệm đã rút ra, phát huy những truyền thống tốt đẹp của Nhà trường, Công đoàn Trường tiếp tục vươn lên đáp ứng yêu cầu của đất nước trong thời kì Đổi mới.
4. Công đoàn trường ĐHSP Hà Nội thời kỳ 1985 - 1995
Trong giai đoạn này, công tác Công đoàn tập trung vào việc xây dựng, củng cố tổ chức và hoạt động công đoàn theo phương hướng đổi mới trên các mặt:
- Thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ sinh viên, tạo niềm tin của quần chúng đối với Đảng và Công đoàn.
- Phát động phong trào kết hợp nghiên cứu khoa học với lao động sản xuất, dịch vụ… góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, đoàn viên
- Tham gia vào quá trình quản lý chuyên môn đào tạo, phục vụ đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học (NCKH) triển khai cuộc vận động “Nâng cao tay nghề, thi thợ giỏi”, “Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”...
- Xây dựng, củng cố tổ chức và hoạt động công đoàn theo phương hướng đổi mới, thường xuyên củng cố tổ chức và nề nếp sinh hoạt Công đoàn, tham gia xây dựng Đảng.
Công đoàn Trường đã phát huy những thuận lợi cơ bản, tích cực tổ chức, động viên cán bộ công nhân viên học tập rèn luyện phẩm chất, nhân cách của người thầy, người cán bộ công chức của trường ĐHSP Hà Nội chuẩn mực.
5. Công đoàn trường ĐHSP Hà Nội thời kỳ 1995 - 2004
5.1. Công đoàn trường ĐHSP Hà Nội trong giai đoạn 1995 -1999
Để phục vụ sự nghiệp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ ở nước ta, theo Nghị định 97/CP, ngày 10/12/1993 của Thủ tướng Chính phủ, ĐHQG Hà Nội và ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập. Công đoàn trường ĐHSP Hà Nội I trở thành Công đoàn thành viên của Công đoàn ĐHQG Hà Nội.
Trong giai đoạn 1995-1999, Công đoàn trường đã có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng và phát triển Công đoàn ĐHQG Hà Nội:
- Là một đơn vị đóng vai trò chủ chốt trong việc xây dựng và phát triển Công đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội trong những ngày đầu mới thành lập.
- Đóng vai trò nòng cốt trong nhiều hoạt động của Công đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội
- Mở rộng mối quan hệ hợp tác, học tập kinh nghiệm hoạt động công đoàn với các công đoàn thành viên trong Đại học Quốc gia Hà Nội, công đoàn các trường đại học và cao đẳng ở Hà Nội, công đoàn đại học vùng và nước ngoài.
5.2. Công đoàn trường ĐHSP Hà Nội trong giai đoạn 1999 - 2004
Ngày 12/10/1999, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 201/1999/TTg, tách trường ĐHSP Hà Nội ra khỏi ĐHQG Hà Nội để xây dựng thành trường Đại học Sư phạm trọng điểm theo tinh thần Nghị quyết TW2, BCH TW Đảng khoá VIII. Trường ĐHSP Hà Nội bước sang một giai đoạn mới: giai đoạn xây dựng trường trọng điểm đầu ngành và hội nhập với các trường trong khu vực và trên thế giới. Công đoàn trường ĐHSP Hà Nội là công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Giáo dục Việt Nam.
Trong giai đoạn này, Công tác công đoàn tập trung vào các mặt công tác chủ yếu sau:
- Xây dựng mối quan hệ gần gũi, gắn bó, đoàn kết giữa cán bộ, công doàn viên, đấu tranh chống biểu hiện tiêu cực, phát huy quyền làm chủ, phấn đấu xây dựng Nhà trường Đại học Sư phạm trọng điểm và trường tiên tiến”.
- Tích cực đổi mới phương pháp quản lý, phương pháp dạy học, nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phục vụ mục tiêu kinh tế - xã hội và giáo dục đào tạo của Nhà trường
- Đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ đào tạo và đời sống, các hoạt động văn hóa, thể thao, bảo hiểm thân thể, bảo hiểm xã hội, giữ vững an toàn vệ sinh lao động...góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, đoàn viên.
- Chú trọng đến công tác nữ: phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”, “Mẹ lao động giỏi, con học giỏi”, “Người tốt việc tốt”...
- Quan tâm xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động của UBKT, Ban Nữ công và tham gia xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.
6. Công đoàn trường ĐHSP Hà Nội giai đoạn từ 2005 đến nay
Trong giai đoạn 2005 - 2016, Công đoàn Trường tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm:
- Là hạt nhân đoàn kết, thống nhất, tập hợp được đông đảo cán bộ, công đoàn viên thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, thực hiện tốt nội quy, quy chế của cơ quan, tích cực tu dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng, nâng cao năng lực chuyên môn, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Nhà trường.
- Động viên cán bộ công đoàn viên tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần thực thực hiện tốt Nghị quyết số 2/NQ-TW, BCH TW Đảng khoá VIII , Nghị quyết số 29/NQ-TW BCH TW Đảng khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.
- Phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của các Công đoàn Bộ phận, tuyên truyền vận động công đoàn viên tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động, các hoạt động xã hội, từ thiện trong ngành và xã hội : Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh,... hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa,...
- Triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho cán bộ, công đoàn viên; phối hợp với chính quyền tham gia quản lý Nhà trường,
Trải qua 65 năm xây dựng và trưởng thành, Công đoàn trường ĐHSP Hà Nội đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt. Lớp lớp các thế hệ cán bộ, công đoàn viên của Nhà trường đã đoàn kết, thống nhất ý chí, hành động, vượt lên mọi thử thách, khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ Công đoàn cấp trên và Nhà trường giao phó, thực sự trở thành tổ chức rộng lớn của nhà giáo, người lao động toàn trường.Với những thành tích đạt được trên các mặt hoạt động, Công đoàn trường ĐHSP Hà Nội đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba năm 1997, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2001, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2006 và nhiều bằng khen, cờ thi đua của TLĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ Thành phố Hà Nội, Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Năm 2016, Công đoàn Trường Đại học Sư phạm là 1 trong 5 công đoàn cơ sở tiên phong trong các hoạt động công đoàn, đứng đầu khối các trường công lập trong chấm điểm lĩnh vực công tác 14 của Công đoàn Giáo dục Việt Nam.
Phát huy truyền thống vẻ vang 65 năm xây dựng và trưởng thành, tập thể cán bộ, công đoàn viên trường ĐHSP Hà Nội quyết tâm đoàn kết nhất trí, phát huy trí tuệ và sức mạnh tập thể, thực hiện thắng lợi chương trình và kế hoạch công tác, đẩy mạnh các phong trào thi đua, góp phần tích cực vào việc xây dựng trường ĐHSP Hà Nội trọng điểm “hội nhập, năng động và phát triển”, góp phần thực hiện tốt công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo của đất nước.
Một số hình ảnh:
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo tổng kết công tác Công đoàn tại Đại hội đại biểu Công đoàn trường ĐHSP Hà Nội lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2014 - 2019).
2. Báo cáo tổng kết công tác Công đoàn trường ĐHSP Hà Nội các năm học 2014 - 2015, 2015 - 2016.
3. 60 năm Trường ĐHSP Hà Nội (1951 - 2011), NXB ĐHSP, Hà Nội, 2011
4. 55 năm Công đoàn trường ĐHSP Hà Nội (1951 - 2006), NXB ĐHSP, Hà Nội, 2007.
Thạc sĩ Nguyễn Nhật Tân - Chủ tịch Công đoàn Trường