Trong không khí rộn ràng của những ngày đầu xuân và hân hoan kỷ niệm 114 năm ngày Phụ nữ 8/3 (8/3/1910 - 8/3/2024), Công đoàn khoa Ngữ văn đã tổ chức chuyến đi trải nghiệm thực tế đáng nhớ đến với khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Tây Thiên - Tam Đảo, thuộc huyện Tam Đảo - tỉnh Vĩnh Phúc trong hai ngày (2-3/3/2024). Chuyến đi đã mang lại cho mỗi công đoàn viên khoa Ngữ văn những khám phá thú vị về những giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, khảo cổ, về cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học của khu di tích Tây Thiên - Tam Đảo.
Vượt qua quãng đường khoảng 80 km về phía Tây Bắc, trước hết, chúng tôi đến với khu di tích chùa Tây Thiên, còn gọi là Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên - một trong ba thiền viện lớn nhất tại Việt Nam. Cảm giác đầu tiên khi đặt chân đến nơi đây là sự choáng ngợp trước không gian rộng lớn, khoáng đạt của một quần thể di tích và tâm linh có diện tích rộng 4.5 ha, trong đó có đến 50 ha rừng ngoại vi. Tọa lạc ở vị thế cực đẹp, với thế “đứng núi dựa sông”, quần thể danh thắng chùa Tây Thiên gồm một hệ thống đền, chùa được xây dựng theo kết cấu tầng bậc từ thấp lên cao, nằm trên triền núi Thạch Bàn, bao xung quanh là núi non Tam Đảo trùng điệp, là những cánh rừng nguyên sinh xanh mướt nên thơ, là Thác Bạc - “dòng nước thơm của núi rừng Tây Thiên”. Đến đây, chúng tôi không chỉ có cảm giác bình an, thanh tịnh khi hành hương “đến với Phật, về với Mẫu” mà còn được thả hồn vào cảnh sắc núi non hùng vĩ, thơ mộng, được chiêm ngắm những loài hoa rực rỡ đua nở dọc đường lên đỉnh núi Tây Thiên. Sương khói bồng bềnh, bảng lảng giăng mắc khắp không gian tạo nên chốn “Bồng lai tiên cảnh” nơi trần thế, nâng lòng người nhẹ bước lâng lâng. Di chuyển bằng xe điện và cáp treo, chúng tôi đã làm lễ dâng hương tại các điểm như đền Thõng (đền Trình) – ngôi đền cổ kính có Cây Đa Chín Cội với lịch sử hàng trăm năm tuổi nằm ngay giữa sân đền, rồi lên đến đền Quốc Mẫu Tây Thiên - ngôi đền bề thế, linh thiêng tọa lạc trên đỉnh núi Thạch Bàn thuộc dãy núi Tam Đảo, qua đền Tam Tòa Thánh Mẫu, đền Mẫu Địa, chùa Thanh Sơn, động Phật Bà Quan Âm, đền Cô, đền Cậu,… Ở mỗi điểm dâng hương, hành lễ, chúng tôi không chỉ được tận mắt ngắm nhìn kiến trúc mang nét đặc trưng của đền chùa truyền thống Việt Nam với những tác phẩm nghệ thuật đá cổ kính, tinh tế mà còn được tìm hiểu về lịch sử chùa Tây Thiên - ngôi chùa được xây dựng vào thời nhà Mạc, từng được coi là nơi Đức Phật đến trụ trì vào thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên. Những bia đá, chuông đồng, hoành phi, câu đối, các mô típ hoa văn gốm sứ trang trí được xác định niên đại từ thời Lý, Trần,… là những chứng tích lịch sử - văn hóa giá trị của khu di tích Tây Thiên - danh thắng kì bí và huyền diệu thờ đạo Mẫu và cũng là nơi phát tích đầu tiên của Phật giáo Việt Nam. Sự hài hòa, gắn kết giữa thiên nhiên và tín ngưỡng đã mang lại cảm giác bình yên, thư thái trong tâm hồn chúng tôi cũng như tạo nên ấn tượng độc đáo về Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên.
Trở xuống chân núi Thạch Bàn, chúng tôi còn ghé thăm tòa Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên. Đây là một kiệt tác kiến trúc Phật giáo Kim Cương thừa đầu tiên tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với thiết kế theo hình dạng của một bông sen khổng lồ. Tất cả nội thất, tượng đài, cổng tam quan,... đều được xây dựng bằng vật liệu bền vững như đá, gỗ, sắt, đồng… và được trang trí bằng nhiều họa tiết; tượng Phật mang đậm nét văn hóa Việt Nam kết hợp với dấu ấn của kiến trúc Kim Cương thừa phổ biến ở các nước theo đạo Phật khắp vùng Himalaya như Ấn Độ, Nepal, Bhutan,… Sự hiện diện của Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên góp phần làm phong phú và tôn vinh giá trị di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam lên một tầm cao mới. Chúng tôi được mở rộng tầm mắt và tri thức về những nét độc đáo, đặc sắc, đa dạng của Phật giáo ở Việt Nam khi đến nơi đây.
Tạm biệt quần thể di tích Tây Thiên, đoàn chúng tôi về Tam Đảo - một thị trấn nhỏ bé, xinh đẹp cách Tây Thiên khoảng 25 km. Đúng với biệt danh “thành phố trong sương”, Tam Đảo đón chào chúng tôi bằng làn sương mù bồng bềnh, huyền ảo, với cái lạnh đặc trưng của núi rừng. Men theo con đường núi nhỏ hẹp với những khúc cua quanh co, chúng tôi thích thú thu vào tầm mắt những dãy núi ẩn hiện sau hàng cây xanh mướt, những loài hoa rực rỡ khoe sắc hai bên đường. Trung tâm thị trấn Tam Đảo gồm một loạt các nhà hàng, khách sạn được xây dựng theo kiến trúc phương Tây đan xen với những quán vỉa hè dân dã dọc đường thị trấn. Chúng tôi lên thăm quan nhà thờ đá Tam Đảo - một công trình kiến trúc cổ, một tuyệt tác của đá bền vững với thời gian, nằm uy nghi, khoáng đạt giữa núi trời nên thơ, hùng vĩ. Các phiến đá ngả màu rêu phong, sương khói mang lại dáng vẻ trầm mặc, cổ kính cho ngôi nhà thờ này. Đặc biệt, phía bên ngoài thánh đường có một khoảng sân rộng được bao quanh bằng hàng cửa cuốn rộng rãi và thoáng đãng. Từ đây nhìn xuống, chúng tôi có thể thấy được toàn cảnh thung lũng thị trấn Tam Đảo với những tòa biệt thự, khách sạn, nhà nghỉ, chợ búa hiện lên mờ ảo trong màn sương và những vườn su su xanh mướt trải dài theo các triền đồi. Cảnh quan nơi đây quả thật ấn tượng!
Sau một đêm nghỉ ngơi ngon giấc tại thị trấn Tam Đảo, buổi sáng hôm sau, đoàn chúng tôi đến với một địa điểm di tích tâm linh nữa, đó là đền Bà Chúa Thượng Ngàn. Đền được xây dựng trên một đồi cao với không gian rộng lớn và kiến trúc độc đáo, mang phong cách truyền thống, với các tòa nhà, cửa chùa và đền thờ hài hòa, hòa quyện với thiên nhiên xung quanh. Tất cả mang lại cho chúng tôi cảm giác thiêng liêng mà thật bình yên, thư thái khi được về với Mẫu Thượng Ngàn - người Mẹ cai quản miền rừng núi.
Một điểm nhấn đáng nhớ nữa trong hành trình trải nghiệm thực tế đầu năm của chúng tôi, đó là chuyến thăm quan, hành lễ tại chùa Vân, còn gọi là Tịnh Viện Vân Sơn – ngôi chùa siêu đẹp ẩn trong mây ở Tam Đảo. Trên nền một ngôi chùa cổ nhỏ cổ kính mang tên Bồng Lai Vân Tự, điểm độc đáo nhất của ngôi chùa này là trong hơn 10 năm, chùa Vân đã được xây dựng phần lớn bằng chính công sức kiên trì, bền bỉ và bàn tay tài hoa, khéo léo của các nhà sư tu tập tại chùa. Các nhà sư đã tự tay đào đường, xúc đất, san ủi nền móng, khắc chạm, đắp nổi họa tiết hoa văn và tượng Phật trên nền đá ong. Thêm một lần choáng ngợp nữa khi chúng tôi đứng ở khu Chánh điện (Đại Hùng Bảo Điện) - được chiêm ngắm, kính lễ trước những pho tượng đồng uy nghi, lộng lẫy, cao phải đến hàng chục mét. Đây cũng là nơi tổ chức các hoạt động tu tập của mọi người, là nơi tiến hành các hoạt động thiện nguyện dành cho những người già không nơi nương tựa, hoặc những người muốn tìm đến dưỡng tâm nơi cửa Phật. Chùa Vân quả là một điểm thăm quan lý tưởng, thú vị giúp chúng tôi tìm hiểu sâu hơn về Phật giáo Việt Nam cũng như những ai muốn tìm kiếm sự an lạc tự tâm.
Hành trình “đến với Phật, về với Mẫu” ở khu di tích Tây Thiên - Tam Đảo trong hai ngày một đêm của Công đoàn khoa Ngữ văn đã diễn ra thành công tốt đẹp. Ấn tượng đọng lại trong mỗi công đoàn viên không chỉ là những tri thức bổ ích về thiên nhiên, lịch sử, tôn giáo, kiến trúc của khu di tích này mà còn là một hành trình đầy ắp tiếng nói, cười. Chuyến đi thực sự là dịp kết nối các thành viên trong Công đoàn khoa với nhau, mang đến những phút giây thư giãn, những khoảnh khắc sẻ chia, đoàn kết ấm áp, để rồi cùng tiếp thêm năng lượng cho một năm mới nhiều khởi sắc. Hi vọng, Công đoàn khoa Ngữ văn sẽ duy trì những chương trình trải nghiệm thực tế bổ ích như thế trong tương lai.
Sau đây là một số hình ảnh lưu giữ những kỉ niệm đẹp về hành trình trải nghiệm thực tế đầu năm của Công đoàn khoa Ngữ văn:
Nguyễn Thị Tuyết Nhung - Công đoàn Khoa Ngữ văn